Quan niệm mất duyên và những điều cần biết khi bưng quả?
Thực hiện trao mâm quả trong ngày tổ chức Lễ cưới – Lễ hỏi là một nghi thức không thể thiếu nếu chúng ta áp dụng đúng theo nghi lễ truyền thống. Trong đó dàn bưng quả thường là những người có mối quan hệ thân thiết với cặp đôi và khó lòng từ chối khi được nhờ bưng quả giúp, tuy nhiên ai đi bưng quả hoặc bê tráp theo cách gọi Miền Bắc thì ít nhiều cũng từng nghe về quan niệm mất duyên của người xưa. Muốn đi tìm lời giải cho việc bưng quả có bị mất duyên không, chúng ta cần hiểu về quan niệm mất duyên và những điều cần biết khi bưng quả?
Quan niệm mất duyên và những điều cần biết khi bưng quả?
Đi bưng quả có mất duyên không?
Nhận lời bưng quả có bị mất duyên không? Dựa trên quan niệm cũ, người con gái tham gia bưng quả được ví như là “bán duyên” nên nhiều chị em lo sợ sẽ “mất duyên” có thể khiến đường tình lận đận, khó lấy được chồng nên dù “chị chị em em” thân thiết đến mấy thì các cụ khuyên chỉ giúp bưng quả 03 lần là tối đa.
Mặc dù vậy, không có bất kỳ bảng thống kê nào đưa ra tỷ lệ ế chồng vì bưng quả chiếm bao nhiêu % nhất là trong thời điểm dịch vụ bưng quả phát triển thành nghề chuyên nghiệp như hiện nay. Đứng ở góc nhìn khác, nhiều cô gái trẻ đã có cơ hội gặp được ý trung nhân nhờ bưng quả Đám cưới, do đây là sự kiện tập trung đông người và có nhiều chàng trai vẫn còn độc thân tham gia, trong khi các cô gái được chọn đi bưng quả đa phần đều có ngoại hình xinh xắn, dễ thu hút người khác.
Để “giữ duyên” khi bưng quả cần làm gì?
Muốn tránh quan niệm “mất duyên” chúng ta cần thực hiện nghi thức “trao gửi tình duyên” hay còn gọi là “trả duyên”. Trước khi tiến hành nghi thức “trả duyên”, gia đình sẽ chuẩn bị sẵn các phong bao lì xì, bên trong có một số tiền tượng trưng để dàn bưng quả Nhà Trai và dàn bưng quả Nhà Gái đáp lễ cho nhau.
Mặc dù số tiền “mua duyên” nhỏ nhưng quan trọng vì mang ý nghĩa chúc cho các chàng trai và cô gái được thuận lợi trong đường tình duyên, nhờ đó mà mọi người yên tâm và nhiệt tình hỗ trợ cho cặp đôi. “Cách giữ duyên tốt nhất cho người con gái khi bưng quả trong thời nay là chuẩn bị trang phục sao cho lịch sự phù hợp, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng đảm bảo an toàn, tránh đùa giỡn cười nói rộn ràng làm ảnh hưởng mọi người xung quanh.” – Chị Phương Anh chia sẻ.
Đi bưng quả mặc đồ gì là phù hợp nhất?
Khi đi bưng quả nên mặc đồ gì còn tùy thuộc vào từng địa phương và cách tổ chức của mỗi gia đình, có nơi thuê đồng phục bưng quả riêng, có nơi bạn phải tự chuẩn bị.
- Trường hợp Đám cưới diễn ra ở quê: Cô Dâu Chú Rể không kịp thuê đồng phục thì bạn nên chọn trang phục lịch sự khi bưng quả, cụ thể: Nếu là trang phục bưng quả Nam ưu tiên quần tây, áo sơ mi, đi giày tây hoặc giày bít mũi; Còn đối với trang phục bưng quả cho Nữ nên chọn áo dài truyền thống, đầm hoặc váy dài quá đầu gối, đi giày cao gót hoặc giày bít mũi. Dẫu biết rằng ở trong tình huống này, Cô Dâu Chú Rể phải xác định trước trang phục bưng quả không được đồng bộ, nhưng để việc chuẩn bị được cẩn thận hơn bạn hãy hỏi trực tiếp xem cặp đôi có mong muốn gì đặc biệt về trang phục hay không.
- Đối với Đám cưới tại thành phố: Bạn không cần quá lo lắng về vấn đề trang phục, bởi nhờ sự phát triển của các dịch vụ cho thuê đồng phục bưng quảchuyên nghiệp mà cặp đôi có rất nhiều lựa chọn, từ áo dài bưng quả truyền thống, áo dài bưng quả cách tân, cho đến áo khỏa của người Hoa cùng các loại váy, đầm may riêng cho bưng quả… Bạn chỉ việc gửi thông tin số đo, chiều cao, cân nặng để Cô Dâu Chú Rể báo dịch vụ chọn đồ phù hợp. Tuy nhiên, khi mặc đồng phục bưng quả bạn cần sự nghiêm túc và tinh tế, tránh việc mặc áo dài chồng phía ngoài quần jeans, mang giày thể thao hoặc sneaker hầm hố khiến “lạc quẻ” khi đứng cạnh mọi người.
Em gái có được bưng quả cho chị gái không?
Theo kinh nghiệm của người xưa mỗi dịp trong nhà có Đám cưới, Cô Dâu Chú Rể thường nhờ bạn bè thân thiết, anh chị em, hay hàng xóm láng giềng là những nam thanh nữ tú phụ giúp việc bưng quả. Cho nên không có bất kỳ vấn đề gì nếu em gái bưng quả giúp cho chị gái, đặc biệt khi cô em gái có chiều cao ngang bằng với những người khác và tuổi thì xấp xỉ nhau sẽ giúp tạo nên một đội hình bưng quả tươi tắn, đẹp mắt.
Đã có chồng có bưng quả được không?
Có vợ, có chồng có bưng quả được không? Vào thời trước, các cụ vốn xem trọng lễ nghi nên khi chọn người bưng quả đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Không chỉ yêu cầu ngoại hình sáng láng mà nếu là Nam thì phải chưa lấy vợ, nếu là Nữ thì chưa được gả chồng, có như vậy mới giúp cho cặp đôi gặp nhiều may mắn.
Nhưng trong thời nay, quan niệm kiêng kỵ đã giản lược đi nhiều, gia đình chỉ chú trọng làm sao hôm tổ chức tìm đủ số người đi bưng quả và khi nhờ thì người ta nhiệt tình hỗ trợ là tốt lắm rồi, không quan trọng là đã có chồng hay chưa. Ngoài ra, ở các thành thị nơi mà dịch vụ cho thuê người bưng quả phát triển thì muốn kiểm chứng xem đội bưng quả có đang độc thân hay không là một vấn đề nan giải, không ai rảnh rỗi để làm điều đó cả.
Tiền lì xì bưng quả có nên xài không?
Số tiền lì xì bưng quả chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và thường dao động khoảng từ 50k – 500k, dù bạn xem số tiền này là một hình thức “trả duyên”, hay “lời cảm ơn”, hoặc là “tiền boa” thì cũng thuộc sở hữu của bạn, chọn làm gì với số tiền đó là do bạn tự quyết định.
- Trường hợp bạn đi bưng quả dịch vụ: Rõ ràng đây là một công việc nghiêm túc, bạn chọn làm để được nhận lương và hãy xem số tiền bên phong bì lì xì là lời cảm ơn của Cô Dâu Chú Rể dành cho thời gian, công sức mà bạn đã bỏ ra cho Đám cưới của họ.
- Trường hợp bưng quả giúp bạn bè: Quan trọng nhất là mọi người được vui vẻ và cùng nhau có những kỷ niệm đẹp, vì thế số tiền trong bao lì xì không đáng để bận tâm, nếu Cô Dâu Chú Rể tặng cho bạn tờ 02 USD để làm kỷ niệm còn thú vị hơn là một tờ tiền có giá trị vật chất.
Các thông tin trong bài viết này nhằm giúp bạn hiểu thêm về quan niệm mất duyên và những điều cần biết khi bưng quả, Mate hy vọng bạn sẽ có sự chuẩn bị thật tốt, cũng như tâm trạng thoải mái hơn nếu nhận lời bưng quả trong Ngày Vui của bạn bè và nhờ vậy mà tất cả mọi người sẽ tạo nên những kỷ niệm đẹp cùng nhau.