Cô dâu Hà Nội tự thiết kế và may váy cưới qua mạng
Thu Trang mất gần 2 tháng để thực hiện 2 mẫu váy có phom dáng khác nhau cùng phụ kiện.
Mất hơn nửa năm tự học thiết kế, may váy cưới từ mạng Internet
Cô dâu Thu Trang (kinh doanh mỹ phẩm thiên nhiên, Hà Nội) kết cườm lên váy cưới.
Thay vì chọn cách dễ dàng là sắm váy cưới từ các cửa hàng thời trang, Thu Trang đã có quyết định "táo bạo" với phần đông cô dâu là tự thiết kế, may váy cưới cho chính mình. Tuy vậy, đây không phải là một ý định bồng bột, nhất thời. Câu chuyện mẹ tự may váy cưới trong hôn lễ của bà cộng với sở thích làm đồ handmade trở thành động lực thôi thúc cô dâu Hà Nội tự làm váy dù đây là quyết định "khá mạo hiểm" vì Thu Trang chưa từng trải qua trường lớp bài bản nào về may vá.
Nghĩ là làm, bắt đầu từ mùa hè 2018, Thu Trang đã tự lên kế hoạch để thiết kế "váy cưới trong mơ", chuẩn bị cho hôn lễ sẽ diễn ra vào tháng 2. "Tôi mày mò tự học từ A đến Z về kỹ năng may", cô dâu tiết lộ. Trung bình mỗi ngày Thu Trang dành khoảng 3 tiếng lên mạng, xem tất cả các chương trình về thiết kế, may váy cưới gồm: Heidi Bridal, Something Borrowed Something New, Say Yes To The Dress, cách kết cườm của Chanel, Dior... cho đến các bài giảng về may, thiết kế váy cưới của các trường đào tạo may trong và ngoài nước.
Thu Trang phác thảo một mẫu đầm xòe và một mẫu đầm đuôi cá. Cô nàng ghi chú chi tiết về phom dáng, các loại phụ kiện đi kèm với váy cưới.
Bài học vỡ lòng về may váy cưới: Số đo phải thật chuẩn xác
Khi làm váy, Thu Trang không quá để tâm vào ý kiến khen chê mà cô có thể nhận được. Cô suy nghĩ rằng được mặc những chiếc váy do chính mình tự sáng tạo đã là niềm hạnh phúc. Thu Trang bắt tay vào thực hiện váy chụp ảnh prewedding (tiền đám cưới) trước. Do có hình dung sẵn về phom dáng váy đuôi cá nên Thu Trang dựng thân váy trước rồi mới phác thảo, làm tiếp phần tay, vai ngực và kết cườm, ren. Chuỗi hành động này đi ngược so với quy trình làm váy cơ bản là phác thảo trước rồi mới dựng phom dáng sau. "Thực tế là khi bắt tay làm thì các ý tưởng chưa được rõ ràng nên tôi đã dựng thân váy trước và các ý tưởng được nảy sinh sau", cô dâu chia sẻ.
Đi vào chi tiết, Thu Trang sử dụng kỹ thuật draping* trong may vá để dựng phom dáng váy. Cô dâu mất khoảng 1 tiếng buổi tối để phác thảo ra 2 mẫu váy cưới: 1 váy để chụp ảnh prewedding (tiền đám cưới), 1 váy cho hôn lễ ngày 21/2. Không chỉ là những chiếc váy cưới đơn thuần mà Thu Trang còn gửi gắm câu chuyện tình yêu của mình vào những chiếc váy ấy. "Tôi và chồng gặp gỡ vào mùa xuân, yêu vào mùa xuân và kết hôn cũng vào mùa xuân nên ý tưởng váy đầu tiên là một vườn đào nở hoa rực rỡ. Còn chiếc váy thứ hai có họa tiết hoa hồng, tựa bộ đầm của các nàng tiên hoa trong truyện cổ tích", Thu Trang lý giải.
*Drapping trong may vá, thiết kế là kỹ thuật dựng rập 3D trên manocanh. Kỹ thuật draping giúp thực hiện một mẫu thiết kế theo đúng với ý tưởng ban đầu của nhà thiết kế.
Bộ váy đầu tiên mang phom dáng đuôi cá được Thu Trang thực hiện trong khoảng thời gian từ 3/12/2018 - 4/1. Váy được làm từ chất liệu vải voan, ren, cườm, pha lê. "Từ tấm bé, tôi đã thích ren bởi chất liệu này mang màu sắc cổ điển pha chút lãng mạn. Tôi tạo điểm nhấn nhờ sự kết hợp của hạt đá", Trang cho hay.
Tuy nhiên, sau 2 tuần, Thu Trang phải chấp nhận bỏ váy và manocanh bởi cô bị gầy đi và số đo của váy không còn chính xác. Thu Trang tự động viên mình rằng: "Không chỉ làm váy mà những chuyện khác cũng vậy, làm một lần chưa thể thu hoạch thành công ngay. Học từ thất bại vẫn thu hoạch được nhiều hơn từ thành công".
Thấy vợ gặp khó khăn, Minh Chính - chồng tương lai của Trang, nhanh chóng hỗ trợ cô bằng cách làm thêm manocanh bọc bông với số đo của cô dâu và được Thu Trang lên vải sau đó. Trong quá trình may váy, Minh Chính cũng chẳng ngại khó khăn để chở vợ đi lựa từng viên đá, hạt cườm, ren, vải voan dù nhiều hôm trời mưa tầm tã.
Khoảng thời gian từ 16/1 - 17/2, cô dâu chuyển sang may bộ đầm thứ hai mang dáng xòe phồng trên nền vải voan và đính kết pha lê. Từ kinh nghiệm bản thân, Trang đúc kết: "Nếu muốn tự may cưới, bạn nên làm dây thắt ở lưng thay cho dạng khóa kéo. Điều này giúp cho váy vừa với dáng người, dễ điều chỉnh khi số đo của cô dâu thay đổi. Nếu chọn làm váy với manocanh bọc vải thì bạn cần chọn manocanh có số đo gần đúng với số đo của bản thân để tránh làm váy rộng hoặc chật quá".
Thu Trang cũng dành lời khuyên cho cô dâu tương lai nếu có ý định tự thiết kế, may váy cưới. "Bạn nên lập kế hoạch may váy từ sớm, túc tắc chuẩn bị nguyên liệu để cảm thấy vui và đỡ áp lực hơn. Chúng ta sẽ có được chiếc váy trong mơ nhờ lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị dần dần. Còn nếu bạn có ý định thiết kế, may váy trong thời gian ngắn sẽ rất dễ gặp áp lực, đặc biệt là với những người cắt may không chuyên sẽ dễ dàng bỏ cuộc", cô nhận định. Trong thời gian may váy, Thu Trang cũng học hỏi được nhiều điều mới lạ về nguyên liệu, giá cả, nơi cung cấp vải vóc cũng như các kỹ năng may vá.
Sau khi hoàn thiện váy, Thu Trang tiếp tục lên ý tưởng cho trang sức cưới. "Những đám cưới của cô dâu ngày xưa đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc, tóc cô dâu được bện cầu kỳ, thường cài hoa đu đủ hay hoa lan dọc bên mái tóc", cô chia sẻ. Chính những hình ảnh đó là nguồn cảm hứng giúp cô làm ra những bộ trâm cài tóc, bông tai lấp lánh. Do hay mần mò làm đồ handmade nên Thu Trang không mất nhiều thời gian để làm bộ trang sức cho mình và cho mẹ. Cô mất khoảng 5 ngày để tìm kiếm nguyên vật liệu gồm: hoa, đá, pha lê, ngọc trai, cài tóc. Sau đó, trong vòng 1 ngày, Trang hoàn thiện 1 bộ trang sức ăn hỏi, 2 bộ trang sức cưới (cài tóc, khuyên tai, vòng tay), 2 bộ trang sức cho mẹ (2 vòng, 2 cài tóc, 2 khuyên tai).
Bride
Ảnh: NVCC
Theo: Ngôi sao