Cách viết thiệp cưới chu đáo đẹp lòng khách mời
Thông thường mỗi bộ Thiệp Cưới có 03 thành phần là Thiệp Báo Hỷ, Thiệp Mời và Thiệp Phúc Đáp (RSVP) tất cả nằm gọn trong một phong bì. Bên cạnh phần thông tin được in sẵn, trên phong bì và Thiệp Mời lại có phần chừa trống để chúng ta tự ghi lời mời bằng tay phù hợp với từng vị khách. Mặc dù vậy, không phải ai cũng biết cách viết thiệp cưới làm sao để đẹp lòng khách mời, nên từ xưa các cụ đã có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” nhằm nhắc nhở chúng ta điều chỉnh về thái độ, cách cư xử trong đời sống. Vì thế, Mate sẽ hướng dẫn cách viết Thiệp Cưới chu đáo đẹp lòng khách mời chi tiết qua bài sau.
Cách viết Thiệp Cưới chu đáo đẹp lòng khách mời.
Cần lưu ý gì trước khi viết Thiệp Mời gửi khách?
Xác định ai mời, ai gửi, ai nhận.
Người Việt Nam tổ chức Đám cưới mời lên đến 300 – 400 khách là điều bình thường, tuy nhiên số lượng khách do Cô Dâu Chú Rể trực tiếp mời chỉ chiếm một phần nhỏ, còn lại đa số là khách từ mối quan hệ của phụ huynh: Cha Mẹ, Ông Bà, Anh Chị… Vì vậy, muốn có cách ghi thiệp mời hay cần phải xác định ai là người mời để chọn cách viết cho phù hợp.
Phân loại theo nhóm khách mời.
Trước khi tiến hành in Thiệp Cưới chắc chắn bạn và gia đình đã lập một danh sách khách mời cụ thể, thì lúc chuẩn bị viết thiệp hãy dựa trên danh sách này để phân loại theo nhóm khách mời, chẳng bạn: Họ hàng Nội – Ngoại, hàng xóm, bạn của phụ huynh, đối tác của phụ huynh, bạn của Cô Dâu Chú Rể, đồng nghiệp, sếp, thầy cô giáo của Cô Dâu Chú Rể. Quá trình phân loại càng chi tiết thì công đoạn viết Thiệp Mời càng dễ dàng.
Sử dụng cách xưng hô phù hợp.
Trường hợp họ hàng bên Nội bên Ngoại có vai vế lớn như Ông Bà, Cô, Dì, Chú, Bác thì người đứng ra mời phải Cha Mẹ, còn đối với các Anh, Chị, Em họ của Cô Dâu Chú Rể thì Cô Dâu Chú Rể có thể tự mời riêng cho thân mật, tình cảm. Tương tự, hàng xóm mà lớn tuổi, hoặc bạn bè, đối tác của phụ huynh thì phụ huynh đứng ra mời, còn nếu hàng xóm cùng trang lứa với Cô Dâu Chú Rể, hay bạn bè và đồng nghiệp thì Cô Dâu Chú Rể đứng ra mời. Dựa theo cách phân chia đó mà người đứng ra mời sử dụng cách xưng hô tương xứng, nhằm thể hiện sự tôn trọng của gia đình dành cho các vị khách.
Hướng dẫn cách viết Thiệp Mời theo từng nhóm khách.
Cách viết Thiệp Mời gửi bà con họ hàng.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời là họ hàng của phụ huynh và có vai vế lớn thì việc xưng hô sao cho đúng tôn ti trật tự được ưu tiên hàng đầu:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Ông/Bà/Cô/Gì/Chú/Bác (tên khách mời).
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Ông Bà/Hai Bác cùng Gia đình.
Trường hợp khách mời có vợ/chồng đã mất hoặc đã ly hôn thì chỉ ghi tên 01 người, tránh dùng từ “02 Cô Chú/02 Bác cùng gia đình”. Do đó, cách viết Thiệp Mời cần phải tinh tế để bày tỏ lòng sự trân trọng đối với người nhận thiệp.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời là Anh/Chị/Em bà con cùng trang lứa với Cô Dâu Chú Rể đã trưởng thành, đi làm hoặc lập gia đình nên cần mời riêng:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Anh/Chị/Em (Tên khách mời) hoặc Kính mời Vợ chồng Anh/Chị/Em (Tên khách mời) hoặc là Kính mời Anh/Chị/Em (Tên khách mời) và người thương/người ấy.
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Anh/Chị/Em cùng Gia Đình hoặc Kính mời vợ chồng Anh/Chị/Em cùng Gia Đình hoặc là Kính mời Anh/Chị/Em và người thương/người ấy.
Cách viết Thiệp Mời gửi bạn của Cha Mẹ.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời là bạn bè thân thiết, đối tác trong công việc của phụ huynh:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Cô/Chú/Bác (Tên khách mời).
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Hai Cô Chú/Hai Bác cùng Gia đình.
Cách viết Thiệp Mời gửi bạn bè dự Đám cưới.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời là bạn bè thân thiết của Cô Dâu Chú Rể:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời bạn (Tên khách mời).
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời bạn cùng Gia đình.
Chị Phương Anh chia sẻ: “Đối với trường hợp viết thiệp cho bạn bè thân thiết như bạn học phổ thông hoặc Đại Học thì cả hai nên dựa trên mức độ thân thiết để chọn cách viết phù hợp, có thể đơn giản hơn hoặc “bựa” hơn nhưng dù sao vẫn phải giữ lịch sự tối thiểu.”
Cách viết Thiệp Mời gửi sếp, thủ trưởng.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời là sếp, thủ trưởng của Cô Dâu Chú Rể:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Anh/Chị (Tên khách mời).
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Anh/Chị cùng Gia đình.
Cách viết Thiệp Mời gửi người có gia đình.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời là người đã có gia đình:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Anh/Chị/Em (Tên khách mời) hoặc Kính mời Vợ chồng Anh/Chị/Em (Tên khách mời).
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Anh/Chị/Em cùng Gia đình hoặc Kính mời Vợ chồng Anh/Chị/Em cùng Gia đình.
Cách viết Thiệp Mời gửi người còn độc thân.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời độc thân và chắc chắn đi dự tiệc một mình:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Anh/Chị/Em (Tên khách mời).
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Anh/Chị/Em.
Hướng dẫn cách viết thiệp khi khách mời độc thân nhưng không rõ đi dự tiệc một mình hay đi cùng với bạn trai/bạn gái:
- Bên ngoài phong bì ghi: Kính mời Anh/Chị/Em (Tên khách mời) + ... hoặc là Kính mời Anh/Chị/Em (Tên khách mời) và người thương/người ấy.
- Bên trong Thiệp Mời ghi: Kính mời Anh/Chị/Em và người thương/người ấy.
Cách viết thiệp như trên tuy đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa lớn, bày tỏ lòng hiếu khách và sự chu đáo, giúp khách mời không bị ngượng ngùng dù đi một mình hay dẫn theo người yêu.
Ẩn chứa bên trong mỗi tấm Thiệp Mời nhỏ gọn là sự chân thành, thể hiện lòng mến khách của chủ nhân, nếu bạn áp dụng khéo léo cách viết Thiệp Cưới chu đáo đẹp lòng khách mời mà Mate hướng dẫn ở trên sẽ giúp để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người được mời.