Ý nghĩa lễ nạp tài trong đám hỏi của người Việt
Cưới xin là chuyện cả đời người. Trong phong tục của người Việt xưa, có khá nhiều công đoạn trong 1 đám cưới của người Việt. Trong số đó, lễ nạp tài đóng một vai trò khá quan trọng.
Trong đám hỏi, ngoài các lễ vật như trầu cau, chè, mứt, hoa quả, bánh trái…nhà trai còn chuẩn bị thêm một tráp đựng tiền, được gọi là lễ đen hay nạp tài. Vì thế mà lễ nạp tài là ngày nhà trai đem sính lễ sang nhà gái. Ý nghĩa của lễ nạp tài là nhà trai góp với nhà gái chi phí cỗ bàn, cho nhà gái và cô dâu biết mọi thứ đã chuẩn bị sẵn. Ngày nay, khi lễ ăn hỏi và rước dâu thường được kết hợp trong cùng một buổi, lễ nạp tài vẫn là một nghi thức được duy trì ở rất nhiều vùng.
1. Ý nghĩa của lễ vật nạp tài
Trong lễ nạp tài, nhà trai mang đến nhà gái nhiều sính lễ nhưng quan trọng nhất là khoản tiền nạp tài (tiền đen). Nhiều ý kiến cho rằng tiền đen tượng trưng cho sự thách cưới của nhà gái đối với nhà trai. Một giải thích khác cho rằng đây là khoản nhà trai đóng góp để lo tổ chức lễ cưới, ngụ ý rằng tất cả đã được chuẩn bị chu đáo. Những món nữ trang là phần dành cho cô dâu làm vốn, sau khi đám cưới có thể yên tâm xây dựng tổ ấm, không sợ đối mặt với cảnh thiếu thốn.
2. Lễ vật nạp tài bao gồm những gì?
Tùy theo phong tục cưới hỏi của của mỗi vùng, sính lễ nhà trai mang đến nhà gái cho lễ nạp tài có thể bao gồm trầu cau, gạo nếp, thịt heo, trang sức, quần áo cho cô dâu và khoản tiền nạp tài (tiền đen). Đối với hôn lễ hiện đại, lễ ăn hỏi thường kết hợp luôn với việc rước dâu thì những lễ vật trên cũng chính là lễ vật ăn hỏi.
3. Những lưu ý về số tiền nạp tài
Hình thức trình bày tiền nạp tài trong lễ rước dâu thường được đựng trong một phong bì và để trong một tráp riêng hoặc kèm tráp trầu cau khi đi sang nhà gái. Ở một số đám cưới, số tiền này được chia thành nhiều phong bì. Số lượng phong bì sẽ là số lẻ như 3, 5, 7.
Số lượng tiền đen cũng khác nhau tùy từng đám cưới chứ không quy định rõ ràng con số cụ thể mà tùy thuộc vào sự bàn bạc trước của hai gia đình hoặc hoàn cảnh của mỗi gia đình. Số tiền này có thể dao động từ 1, 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng hoặc hơn, nhưng con số thường được lựa chọn cũng là số lẻ, hoặc một số đẹp theo quan niệm của gia đình đó.
Ngày nay gia đình nhà gái thách cưới ít hơn so với thời xưa hoặc căn cứ vào hoàn cảnh của nhà trai để ước lượng số tiền. Bởi lễ cưới hiện đại đều do cả hai nhà lo liệu, chi trả nên việc thách cưới cũng giảm nhẹ đi.
Nhiều gia đình đã quen biết nhau hay cùng phong cách cởi mở thì vấn đề lễ đen sẽ đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên nếu các gia đình chưa có nhiều cơ hội hiểu nhau thì việc quyết định lễ đen không thống nhất có thể gây ra những điều không vui vẻ.
4. Vai trò của cô dâu chú rể
Lễ nạp tài mang một ý nghĩa tốt đẹp, nhưng lại động chạm đến những vấn đề khá nhạy cảm giữa hai bên gia đình. Vì vậy, cô dâu và chú rể cần là người tạo nên chiếc cầu nối và hòa khí giữa hai bên để ngày rước dâu thật sự ấm áp tiếng cười và tràn niềm vui. Cô dâu nên là người chủ động hỏi ý kiến của bố mẹ, gia đình về yêu cầu lễ nạp tài. Trong khi đó chú rể sẽ là người thông báo, bàn bạc với gia đình nhà trai để đưa ra một số lượng và hình thức trình bày thích hợp, đẹp lòng cả đôi bên.
Không tìm thấy bài viết