Giữa "ma trận" kem chống nắng và hàng nhái, tín đồ làm đẹp cần gì để không mua nhầm?
Không thể phủ nhận, ở thời điểm hiện tại, mỹ phẩm đã dần trở thành một người bạn đồng hàng thân thiết của phái đẹp. Tuy nhiên, giữa thời buổi “vàng thau lẫn lộn” có quá nhiều loại mỹ phẩm xuất hiện trên thị trường và khó có thể kiểm soát được việc làm giả, làm nhái thì phái đẹp càng thêm hoang mang không biết nên chọn mua mỹ phẩm thế nào để đúng hàng chất lượng.
Vừa qua, cảnh sát tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đã triệt phá đường dây buôn bán kem chống nắng giả quy mô lớn. Điều này khiến không ít phái đẹp phải "sửng sốt" vì thành phẩm "nhái" chẳng khác gì hàng xịn và vô cùng khó phân biệt.
Vào tháng trước, một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả với gần 10.000 lọ mỹ phẩm nhái nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như: Chanel, Gucci, Dior... cũng đã bị đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Vinh (Nghệ An) cũng đã bắt giữ và xử lý.
Trước tình hình báo động trên, nhằm giúp phái đẹp có cái nhìn "khắt khe" hơn đối với những sản phẩm chuẩn chất lượng, Eva Làm đẹp sẽ gợi ý cho bạn 4 cách để có thể phân biệt mỹ phẩm thật và giả.
1. Kiểm tra thông tin mã vạch, mã code sản phẩm bằng điện thoại
Một trong những cách phân biệt mỹ phẩm thật giả chuẩn nhất chính là sử dụng ứng dụng kiểm tra mã vạch. Đối với máy sử dụng hệ điều hành Android hay máy IOS, bạn có thể download các phần mềm Barcode Scanner, QuickMark Barcode… về máy để kiểm tra xuất xứ qua mã vạch sản phẩm.
Trước tiên, bạn cần xác định trên mặt bao bì sản phẩm sản xuất ở nước nào. Sau đó, việc check bằng phần mềm sẽ hiển thị chi tiết thông tin của sản phẩm. Nếu cả hai thông tin bạn đối chiếu đều trùng nhau thì đó chính xác thì là hàng thật và ngược lại. Ví dụ bạn thấy 2 con số đầu tiên là 32 thì đây là hàng của Pháp. Nhưng nếu tra mã vạch mỹ phẩm bạn cầm trên tay thuộc hãng của Pháp mà ra con số khác thì là hàng fake.
Một số mã xuất xứ mà bạn nên trang bị cho mình để khi cần có thể kiểm tra trong lúc chọn mua mỹ phẩm.
2. Kiểm tra hình thức bao bì và các vật dụng đi kèm mỹ phẩm nếu có
Để nhận biết hàng thật, bạn cũng có thể xem qua phần bao bì của sản phẩm. Nếu vỏ được làm bằng thủy tinh hay nhựa thì phải thật bóng, đẹp, các đường nét của chữ hay logo phải cực kỳ sắc nét, không được lem, mờ. Nếu là hộp giấy, bạn nên xem kĩ chất lượng của loại giấy, các đường nét chữ, họa tiết phải thật rõ ràng.
Với hàng giả thì vỏ hộp có giấy mỏng, khi đưa sản phẩm ra ánh sáng thường dễ bị phản quang, khi chụp bằng điện thoại sẽ dễ bị chói.
Bên cạnh đó, thông tin đầy đủ của sản phẩm khi in trên vỏ hộp cũng cần được rõ ràng, chi tiết. Điều đặc biệt là sản phẩm sẽ được ghi rõ hạn sử dụng, ngày sản xuất, rất khó tẩy xóa.
Đối với các sản phẩm makeup có cọ hay chổi trang điểm đi kèm, bạn có thể kiểm tra của chất lượng của sợi lông cọ. Nếu là hàng nhái, những vật dụng sẽ khá cứng, thô, không mềm mịn như hàng thật.
3. Thử sản phẩm bằng nước
Đối với phương pháp kiểm tra độ thật giả của sản phẩm bằng nước, không hẳn là sản phẩm nào cũng có thể làm được, bạn chỉ có thể áp dụng đối với một số sản phẩm điển hình như phấn, son, kem... Tuy nhiên, đây cũng là cách không khá hiệu quả vì phân tử nước và phân tử biểu bì của da có nét tương đồng. Để thực hiện, bạn chỉ cần chuẩn bị một ly nước sạch để nguội, đợi sau khoảng 20 giây và quan sát. Nếu là mỹ phẩm giả, bạn sẽ gặp các trường hợp sau:
- Mỹ phẩm bám trên thành cốc: có thành phần chứa dầu động vật, có thể khiến da mịn, đẹp hiệu quả nhanh nhưng bạn nên ngưng sử dụng nếu xảy ra tình trạng tổn thương da như sưng, mụn...
- Mỹ phẩm nổi trên mặt nước: có chứa dầu khoáng với chiết xuất dầu thô, công dụng của chất này dù giữ ấm tốt nhưng dễ gây bí bách lỗ chân lông, về lâu dài sẽ gây lão hóa da
- Mỹ phẩm lắng xuống đáy cốc: Hiện tượng này khá nguy hiểm vì sản phẩm mang thành phần chứa chì hay các kim loại nặng, khi sử dụng sẽ gây hại lớn cho sức khỏe, nhất là phụ nữ mang thai
Đối với những loại mỹ phẩm có thể hòa tan trong nước thì làn da cũng hấp thụ tốt sản phẩm đó.
4. Thử sản phẩm trên da
Cuối cùng, kiểm tra bên trong là cách phân biệt mỹ phẩm thật và giả quan trọng không kém. Đối với các sản phẩm như kem dưỡng, phấn mắt, son,… bạn có thể thử bằng cách cho một ít mỹ phẩm lên mu bàn tay và xem diễn biến sau đó nhằm cảm nhận về chất lượng của sản phẩm.
Nếu là hàng thật với son, phấn nền, phấn mắt,… bạn sẽ ngửi được mùi thoảng, thơm, chất kem mịn màng còn hàng giả thì gây nặng da, không mịn bằng. Ngược lại, với kem dưỡng da có mùi nồng nặc thì đó chính là hàng giả.
Cách phân biệt một số loại mỹ phẩm được các tín đồ làm đẹp ưa chuộng thường được làm nhái phổ biến:
Kem chống nắng Anessa
Là sản phẩm làm đẹp phổ biến thế nên kem chống nắng Anessa cũng rất hay bị làm giả với bao bì giống đến 90%.
Đối với vỏ ngoài, sản phẩm nhái được bao phủ bằng một lớp bọc kém nhẵn mịn và bị trùng mí.
Kích thước của sản phẩm nhái (trái) cũng cao hơn so với sản phẩm thật (phải).
Khi nhỏ vào nước, những giọt kem của sản phẩm nhái (trái) sẽ vo thành sợi dài. Trong khi đó, chất kem của sản phẩm thật khi tan vào nước sẽ hóa thành những viên tròn nhỏ như viên bi.
Nước tẩy trang Bioderma Sensibio H2O
Không chỉ là một trong những nước tẩy trang nổi tiếng về độ an toàn, thành phần dịu nhẹ xuất xứ từ Pháp mà Bioderma còn là loại mỹ phẩm tẩy trang hàng đầu được nhiều cơ sở sản xuất làm giả.
Xét về bao bì, vỏ nước tẩy trang hàng nhái có chữ được in mờ hơn, đường nét không sắc sảo như hàng chính hãng. Nếu bạn dùng tay cạo nhẹ, phần màu mực có thể trôi đi. Ngoài ra, phần nắp đậy của sản phẩm giả cũng có màu nhạt, không hồng tươi và trong suốt như tẩy trang Bioderma hàng chính hãng.
Dựa vào việc quan sát phần bọt của nước tẩy trang, nếu lắc qua lắc lại, bạn sẽ thấy nước tẩy trang Bioderma chính hãng có bọt nhỏ và đều. Trong khi đó, Bioderma nhái có bọt to và không đều nhau.
Mặt nạ ngủ môi Laneige Mini
Hũ mask dưỡng môi "thần thánh" của Laneige luôn được hội chị em "săn lùng" vì hiệu quả tốt. Tuy nhiên, những sản phẩm mini size trên thị trường hiện nay phần lớn đều là hàng giả do hãng chỉ sản xuất bản dùng thử với số lượng hạn chế.
Để nhận biết hàng thật hay giả, bạn có thể dựa vào hình dạng của hũ mask. Hũ thật có chiều cao nhỉnh hơn một chút so với hàng giả và phần nắp có bánh răng cưa chứ không nhẵn mịn như hàng giả.
Ngoài màu sắc khác nhau giữa hàng thật và hàng giả có thể dễ dàng nhận thấy, thì nắp hộp của hai loại cũng có sự khác biệt đáng kể. Hàng thật được in dập hạn sử dụng bên trong nắp hộp dưới dạng một mã gồm 3 chữ và số, trong khi đó hàng thật không hề có phần này.
Theo Eva