Đừng chi tiền vội, đây là 5 cách giúp chị em phân biệt "thủ đoạn" kem trộn tinh vi
Nắm bắt tâm lý muốn “lột xác” nhanh chóng của chị em, kem trộn đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của ngành hàng làm đẹp. Từ những hũ kem giá 50.000 đồng bày bán tràn lan trong các chợ đến những trang Facebook chuyên cung cấp “kem trắng da độc quyền” mọc lên như nấm. Theo đó, loại kem kém chất lượng này sẽ dần dần hủy hoại làn da của chị em, thậm chí chứa các thành phần làm cơ thể bị nhiễm độc kim loại, ung thư.
Bên cạnh những mẫu kem trộn “liếc mắt” liền nhận ra, ngành hàng này đang phát triển theo cách thức tinh vi hơn. Ngày nay, chị em không khó để bắt gặp những mẫu kem trộn cao cấp gắn mác kem nhập khẩu với giá thành cao, vỏ hộp sang chảnh và có cả KOLs làm đại diện. Sau đây là những cách đơn giản nhất giúp chị em nhận biết và diệt trừ kem trộn “từ trong trứng nước”.
Khả năng tái tạo da của con người là từ 28-30 ngày. Chính vì vậy, dù bạn có sử dụng những thương hiệu mỹ phẩm cao cấp “đắt xắt ra miếng” thì ít nhất sau 1 tháng mới thấy rõ công dụng. Kem trộn lại khác. Người bán hàng thường xuyên rao bán sản phẩm của mình bằng những lời cam đoan “trắng hỏa tốc”, “trắng bật tông”, “da mịn màng chỉ sau 1 tuần”. Tất tần tận những bước skincare nay chỉ gói gọn trong 1 hũ kem nhỏ và tác dụng thì gần như tức thì.
Tuy nhiên, sự thật thì chẳng có loại kem thần dược như vậy. Chính các thành phần kim loại nặng như thủy ngân, chì, corticoid,...trong kem đã khiến da ngậm nước, trông căng mọng và giảm sưng tấy trên những nốt mụn nhưng đồng thời cũng bào mòn và tàn phá da từ bên trong.
Để xây dựng lòng tin của khách hàng, chủ các shop kem trộn không tiếc tiền chi cho quảng cáo. Ngoài việc chạy quảng cáo liên tục trên Facebook, họ còn mời hot girl có tiếng PR cho sản phẩm. Dạo 1 vòng trên những trang Facebook bán kem trộn, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người đẹp quay livestream hướng dẫn sử dụng sản phẩm, những album đầy ắp lời khen của khách hàng và hằng hà sa số giấy chứng nhận y tế.
Một đặc điểm khác là các trang bán kem trộn thường xuyên tuyển sỉ, đại lí, cộng tác viên gia nhập “gia đình” bán kem với vốn thấp lãi cao. Chị em có thể tự đặt câu hỏi nếu 1 sản phẩm thực sự chất lượng thì tại sao chỉ có kênh bán hàng là mạng xã hội cùng với cách phân phối tràn lan và dễ dàng đến thế?
Trước sự cảnh giác của công chúng về kem trộn, ngày nay loại kem này thường “núp bóng” dưới những danh xưng “kem cốt Thái Lan”, “kem ủ trắng”, “kem thảo dược”,...Dù mang trên mình nhiều danh xưng bóng bẩy khác nhau thì không khó để chị em nhận ra kem trộn từ ngoại hình. Tùy vào mức độ đầu tư của cơ sở sản xuất, bao bì kem trộn có thể trông bình dân hoặc vô cùng cao cấp. Tuy nhiên, vì được sản xuất trên dây chuyền gia công nên các sản phẩm này sẽ ít nhiều mắc những lỗi thiết kế, hoặc quá sơ sài, hoặc quá màu mè sặc sỡ.
Mặt khác, trên bao bì sản phẩm sẽ không thể hiện được những nội dung cơ bản mà nhà nước quy định như: thông tin doanh nghiệp, xuất xứ hàng hóa, thông tin cảnh báo an toàn,...Đặc biệt, bảng thành phần cũng bị “giấu nhẹm” bởi cái cớ “công thức gia truyền”. Việc thiếu hụt những thông tin cơ bản phần nào đó phản ánh đây là “sản phẩm chui” chưa được cấp phép sản xuất và kiểm nghiệm.
Nếu không thể nhận biết kem trộn từ bao bì, cách duy nhất để phát hiện ra loại kem này là thử chất kem. Chị em có thể bôi 1 chút kem lên mu bàn tay và quan sát những đặc điểm sau để nhận diện kem trộn sau 1 lần bôi. Trước hết, kem trộn sẽ mang mùi hóa chất rất nồng do sử dụng nhiều chất phụ gia ở nồng độ cao chưa qua dây chuyền xử lý chuyên nghiệp. Kết cấu của kem trộn cũng sánh đặc hơn, không thể thẩm thấu nhanh qua da và có thể gây nóng rát với những làn da nhạy cảm.
Nhiều sản phẩm kem trộn đã tân tiến hơn, cải thiện được hầu hết các nhược điểm về màu sắc, mùi hương nên rất khó để phát hiện.
Hiện nay, phái đẹp đã chung tay chống lại kem trộn bằng việc thống kê và lập danh sách các sản phẩm đang hiện hành. Tuy nhiên, danh sách này lại không phản ánh 100% thị trường kem trộn để chị em tham khảo và tránh xa những mặt hàng “độc dược”.
Do đó, bên cạnh đọc kĩ thông tin, mọi người có thể xác định kem trộn thông qua việc tra Google. Chị em chỉ cần áp dụng công thức “Tên sản phẩm” + “Kem trộn” sẽ nhận được vô số kết quả “bóc phốt” nếu sản phẩm này từng tàn phá nhan sắc phái đẹp.
Tuy nhiên, cách an toàn nhất để phòng chống kem trộn là lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, được bày bán trong các cửa hàng có giấy phép, hiệu thuốc,.. Chị em cũng cần tỉnh táo trước lời chiêu dụ và luôn tâm niệm “tiền nào của nấy”, không nên vì ham rẻ, ham “lột xác” nhanh mà bỏ qua những hiểm họa sức khỏe khôn lường.
Theo Eva