Muốn tổ chức lễ thề nguyền cần chuẩn bị những gì?
Bạn đã biết đến Lễ Thề Nguyền, Lễ Vow hay Wedding Ceremony kiểu Tây thông qua các bộ phim của Hollywood hoặc từng tham dự một buổi lễ như vậy, bây giờ đến lượt bạn sắp lên xe hoa nhưng không biết muốn tổ chức Lễ Thề Nguyền cần chuẩn bị những gì? Mate sẽ hướng dẫn cho bạn một cách cụ thể thông qua bài viết phía dưới.
Muốn tổ chức Lễ Thề Nguyền cần chuẩn bị những gì?
Địa điểm tổ chức Lễ Thề Nguyền.
Lễ Thề Nguyền thường được tổ chức chung địa điểm với nơi đãi tiệc, như sân vườn của nhà hàng, hay bãi cỏ đủ rộng nhằm thuận lợi cho việc sắp xếp ghế ngồi và trang trí, hoặc trên bãi cát gần bờ biển nếu cặp đôi chọn hình thức Destination Wedding. Đôi khi, Lễ Thề Nguyền lại tiến hành ở chỗ có phong cảnh đẹp như trên boong tàu, bờ sông, sân golf,… sau đó mọi người mới di chuyển đến Nhà Hàng Tiệc Cưới. Nếu gặp khó trong việc tìm kiếm địa điểm tổ chức, bạn nên kết hợp cùng Wedding Planner sẽ giúp quá trình chuẩn bị dễ dàng hơn.
Thực hiện trang Trí Lễ Thề Nguyền.
Tùy thuộc vào khả năng tài chính và mức độ chịu chi của cặp đôi mà Lễ Thề Nguyền sẽ được đầu tư trang trí theo cách cầu kỳ hay đơn giản. Ở mức độ đơn giản nhất, Lễ Thề Nguyền cần một khu vực sắp xếp ghế cho khách ngồi tham dự, kế đến là khu vực tổ chức lễ chính thường dựng cổng hoa hoặc backdrop, trang trí lối đi bằng cách trải thảm, rải cánh hoa hoặc sử dụng trụ hoa. Đối với những bạn yêu cầu tỉ mỉ hơn có thể quan tâm đến những chi tiết như: trang trí ghế ngồi khách mời, khu vực đón khách có ăn uống nhẹ, nhà bạt trong suốt để phòng hờ thời tiết xấu mà vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của nơi tổ chức. Tất nhiên trong khâu trang trí còn nhiều vấn đề cần phải bàn cụ thể như về ý tưởng, màu sắc chủ đạo, chọn chất liệu gì, hoa tươi Việt hay hoa tươi nhập… vì vậy bạn nên trao đổi với đơn vị trang trí, Wedding Designer hoặc Florist.
Kịch bản chương trình Lễ Thề Nguyền.
Wedding Ceremony kiểu Tây thường tuân theo một mô típ chung, sau khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, MC hoặc người chủ trì buổi lễ sẽ phát biểu đôi lời để cảm ơn các khách mời đã có mặt, giới thiệu sơ lược về chuyện tình yêu cặp đôi rồi kêu gọi mọi người chào đón sự xuất hiện của Cô Dâu và Chú Rể. Dựa trên kịch bản mà cả hai sẽ cùng bước ra, hoặc Bố Mẹ dắt tay, hoặc tự đi ra trong tiếng vỗ tay, rồi mọi người sẽ tung cánh hoa lên để chào đón, sau đó mới đến chương trình lễ chính, đọc Lời Thề Nguyền (Wedding Vow), nghi thức kết đôi, hôn Cô Dâu… Chị Phương Anh chia sẻ: “Muốn lên kịch bản chương trình Lễ Thề Nguyền thì mình cần hiểu rõ về cặp đôi, để biết họ thích hay không thích điều gì, mong muốn Lễ cưới sẽ diễn ra như thế nào, từ đó mới xây dựng nội dung sao cho phù hợp ”.
Người chứng hôn, dẫn chương trình.
Theo văn hóa phương Tây, sau khi cặp đôi đăng ký kết hôn với chính quyền sẽ được cấp cho một tờ hợp đồng hôn nhân ghi thời hạn tổ chức, như bên Mỹ là trong vòng 01 tháng phải làm Đám cưới. Người ký tên vào tờ giấy để làm chứng gọi là người chứng hôn, có thể là chánh án, thẩm phán, hay cha xứ bên Công Giáo, sư thầy bên Phật Giáo, hoặc là Wedding Officiant tức là người chuyên làm nghề chứng hôn, muốn làm nghề này phải đi học để được cấp bằng đàng hoàng… Tuy nhiên ở Việt Nam không có nghề chứng hôn, cũng như việc đăng ký kết hôn đã thực hiện theo quy định của pháp luật, nên trong Lễ Thề Nguyền cặp đôi thường nhờ Wedding Planner tìm MC, hoặc nhờ bạn bè có khiếu ăn nói để hướng dẫn dựa theo kịch bản chương trình đã soạn trước.
Chọn người làm Phù Dâu, Phù Rể.
Phần lớn các Đám cưới ngày nay đều cần đến vai trò của Phù Dâu và Phù Rể, đây chính là những người bạn, người em thân thiết của Cô Dâu và Chú Rể. Sự xuất hiện của Phù Dâu, Phù Rể không chỉ giúp cho không khí thêm phần vui vẻ, rộn ràng và sinh động hơn hẳn, mà họ còn hỗ trợ cho cặp đôi trong khâu chuẩn bị, đón tiếp và hướng dẫn khách mời… Tùy thuộc mối quan hệ của mỗi cặp đôi mà số lượng Phù Dâu, Phù Rể sẽ khác nhau, có thể từ 02 – 4 – 6 – 8 người mỗi bên, vì vậy bạn cần “nhắm” trước những ai có thể nhờ được và nên đánh tiếng mời họ từ sớm.
Tìm nơi may hoặc thuê trang phục.
Không chỉ là vấn đề trang phục của Cô Dâu Chú Rể, mà Lễ Thề Nguyền còn thêm đẹp và sang trọng nếu khách tham dự ăn mặc chỉnh chu, đồng bộ về màu sắc, đặc biệt là Bố Mẹ hai bên, Phù Dâu và Phù Rể. Có thể nói tổ chức Lễ Thề Nguyền chính là cơ hội tốt để áp dụng dress code cho mọi người, bạn sẽ cảm nhận rõ sự trang trọng và đẳng cấp giống như sự kiện của các ngôi sao giải trí, và tất nhiên trong khung cảnh đó cả đôi vợ chồng sẽ có được những bức hình kỷ niệm tuyệt vời. Trong chuyện phục trang nếu mọi người tự chuẩn bị được thì tốt, còn không bạn nên tìm một địa chỉ cho thuê hoặc may rồi đưa mọi người đến chọn lựa, tất nhiên bạn chỉ chuẩn bị cho bạn thân và gia đình thôi chứ không phải tất cả khách mời.
Ê-kip Quay phim & chụp hình.
Để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Lễ Thề Nguyền thì không thể thiếu được một đội ngũ quay phim & chụp hình chuyên nghiệp. Theo kinh nghiệm của Mate, khi áp dụng hình thức tổ chức này bạn nên kết hợp với team chuyên quay phim & chụp hình theo phong cách phóng sự là phù hợp nhất, giúp bạn ghi lại được những khoảnh khắc tự nhiên, xuất thần của mọi người xung quanh, thay vì chụp hình đóng khung theo kiểu truyền thống.
Mate hi vọng qua nội dung của bài này đủ giúp bạn biết muốn tổ chức Lễ Thề Nguyền cần chuẩn bị những gì? Khối lượng công việc tương đối nhiều, bạn nên cân nhắc việc kết hợp cùng với Wedding Planner uy tín để việc chuẩn bị được suôn sẻ hơn.