Làm lễ cưới kiểu tây được bỏ qua lễ cưới truyền thống không?
Bạn xác định sẽ tổ chức Lễ cưới theo kiểu Tây, vì nhận thấy việc trao nhau Lời Thề Nguyền (Wedding Vow) trước sự chứng kiến của những người thân yêu mang nhiều ý nghĩa, nhưng bạn không biết nếu đã làm Lễ cưới kiểu Tây được bỏ qua Lễ cưới truyền thống không? Trong vấn đề này, Mate xin được chia sẻ một vài ý kiến sau đây.
Làm Lễ cưới kiểu Tây được bỏ qua Lễ cưới truyền thống không?
Quan niệm Cưới hỏi theo Luật - Đạo - Đời là gì?
Quan niệm Cưới hỏi theo Pháp Luật – theo Đạo và theo Đời đã được hình thành từ lâu đời trước cả thời Ông Bà chúng ta. Nghĩa là việc Cưới hỏi đầu tiên phải được Pháp Luật công nhận, nếu giai đoạn phong kiến có tục “Nộp cheo” cho làng xã thì ngày nay là thủ tục đăng ký Kết Hôn với cơ quan chính quyền. Kế đến là cử hành nghi thức Cưới hỏi dựa trên tín ngưỡng tôn giáo, gia đình có Đạo nào thì sẽ áp dụng lễ nghi theo quy định riêng của Đạo đó, như Đạo Công Giáo, Đạo Phật, Đạo Cao Đài, Đạo Hồi, Đạo Bà La Môn, hay Đạo thờ Ông Bà… Và cuối cùng mới là tổ chức Cưới theo Đời, chẳng hạn việc mời bà con làng xóm đến dự buổi tiệc chung vui, hay xu hướng tổ chức Lễ Thề Nguyền cũng nhằm chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới, tất cả đều hướng đến mục đích “tốt Đạo, đẹp Đời” qua đó không ai chê trách điều gì.Lễ cưới truyền thống gồm những gì?
Trong thời phong kiến, thủ tục Đám cưới truyền thống của người Việt tuân thủ theo trình tự 6 lễ nên còn được gọi là “lục lễ Cưới hỏi”, đến nay đã được rút gọn chỉ còn ba lễ gồm: Lễ dạm ngõ – Đính hôn – Lễ cưới. Chuẩn bị cho Lễ cưới, Nhà Trai sẽ sửa soạn mâm quả sính lễ cùng đoàn đón dâu đến Nhà Gái thực hiện các nghi thức trao quả, giới thiệu thành viên tham dự, giới thiệu mục đích xin được đón Cô Dâu về làm vợ. Vị chủ hôn sẽ hướng dẫn cho gia đình và cặp đôi thực hiện những nghi lễ trước bàn thờ gia tiên với mục đích báo cáo và xin phép Ông Bà chấp nhận cho việc Hôn Sự, cặp đôi ra mắt bà con 02 bên bằng nghi thức dâng trà, hoặc mời rượu đồng thời nhận lời chúc phúc từ mọi người. Như vậy có thể thấy Lễ cưới truyền thống chính là hình thức Cưới theo Đạo thờ Ông Bà đã được dân gian áp dụng từ xưa đến nay.Nét đẹp văn hóa của Lễ cưới truyền thống?
Quy trình Lễ cưới như trên đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện đúng đạo lý “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”, trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt. Cũng trên quan niệm đó, phụ huynh chúng ta thường có suy nghĩ: “Đám cưới tùy theo từng gia đình mà tổ chức rình rang hoặc đơn sơ. Trường hợp hoàn cảnh khó khăn, không phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy chỉ cần làm buổi lễ nho nhỏ cho hai đứa trẻ ra mắt họ hàng là được”. Còn Lễ Thề Nguyền tuy mang nhiều ý nghĩa nhưng dẫu sao vẫn văn hóa của người phương Tây mới hội nhập qua vài năm, nếu thấy hay chúng ta có thể hòa nhập theo nhưng đừng khiến mình bị hòa tan.Có nên bỏ qua Lễ cưới truyền thống không?
Chị Phương Anh chia sẻ: “Là một người Việt Nam, nếu không phải vì lý do đặc biệt nhất định không nên bỏ qua Lễ cưới truyền thống, dù cho bạn có tư tưởng hiện đại và thoáng đến đâu mà hãy nghĩ đến Cha Mẹ của chúng ta. Bản thân mình có thể “chinh Đông phạt Tây”, đi nước ngoài này nọ, hay thậm chí trở thành công dân quốc tế, nhưng gia đình của mình xung quanh còn có bà con, chòm xóm”. Nên tổ chức Đám cưới làm sao để người ta không dị nghị, lời ra tiếng vào, có thể bạn không quan tâm đến chuyện người ta nói gì, thì cũng phải nghĩ đến nỗi niềm của người lớn. Giả dụ Cha Mẹ chiều ý làm theo mình chăng nữa thì trong lòng có đang muộn phiền hay không… đó mới là ý nghĩa của sự “đẹp Đời”. Tóm lại, qua bài viết “Làm Lễ cưới kiểu Tây được bỏ qua Lễ cưới truyền thống không?” Mate mong đã giải đáp những điều bạn còn đang băn khoăn. Nếu bạn rất thích hình thức của Lễ Thề Nguyền, tốt nhất nên có sự chuẩn bị về tinh thần và kinh tế nữa để có thể thực hiện thành 02 buổi lễ riêng biệt, ngoài ra bạn cũng có thể cân nhắc kết hợp Lễ Thề Nguyền với Destination Wedding.To the main pageNext article