Hướng dẫn quy trình làm và in thiệp cưới tự thiết kế
Mate không phải là Dịch Vụ In Ấn Thiệp Cưới chuyên nghiệp mà hiện tại chỉ thiết kế nhằm phục vụ riêng cho các vị khách hàng đặc biệt, đó là những người tìm kiếm thông tin và sử dụng Dịch Vụ Cưới hỏi mà Mate chia sẻ và muốn Đám cưới có sự đồng bộ về màu sắc và phong cách từ khâu trang trí cho đến in ấn. Nhờ đó mà mỗi năm Mate có cơ hội thực hiện khoảng hơn chục bộ Thiệp Cưới nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm trong mảng này, phía dưới Mate sẽ hướng dẫn Quy trình làm và in Thiệp Cưới tự thiết kế để bạn cùng tham khảo nha.
Hướng dẫn Cách thức làm và in Thiệp Cưới tự thiết kế.
Tổng hợp thông tin để thiết kế Thiệp Cưới.
Mỗi bộ Thiệp Cưới thường bao gồm ba thành phần: Thiệp Báo Hỷ, Thiệp Mời và Thiệp Phúc Đáp (RSVP) theo văn hóa Phương Tây, tất cả đều nằm gọn trong phong bì Thiệp Cưới. Đầu tiên là Thiệp Báo Hỷ có mục đích thông báo về buổi Lễ cưới của Cô Dâu Chú Rể được gia đình tổ chức tại tư gia kèm theo tên của phụ huynh 02 bên, ngày tháng và thời gian tổ chức giúp mọi người nắm thông tin sơ lược về Đám cưới.
Còn trong Thiệp Mời dự tiệc sẽ ghi đầy đủ thông tin về buổi tiệc của Cô Dâu Chú Rể diễn ra ở đâu vào lúc nào, đôi khi có cả bản đồ chỉ đường đến Nhà Hàng – Khách Sạn. Cuối cùng là Thiệp Phúc Đáp có kích thước nhỏ hơn được đựng bên trong một phong bì riêng, có tác dụng giúp khách mời phản hồi về số người tham dự, món ăn yêu thích hoặc những lưu ý về thực đơn. Để có tư liệu thiết kế Thiệp Cưới, bạn cần tổng hợp đầy đủ thông tin bao gồm:
- Tên phụ huynh 02 bên kèm địa chỉ nhưng có thể cần hoặc không cần số nhà chính xác. Ví dụ:
Nhà Gái
Ông Tô Quốc Dũng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu.
Q.Phú Nhuận, TP.HCM
Nhà Trai
Ông Lê Tấn Đắc.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh.
Q.7, TP.HCM
Trân Trọng Báo Tin Lễ Thành Hôn Của Con Chúng Tôi.
- Tên Cô Dâu Chú Rể và vai vế trong nhà. Ví dụ:
Lê Đăng Khoa
(Út Nam)
&
Tô Bảo Trân
(Út Nữ)
- Giờ, Ngày, Tháng, Năm diễn ra Lễ cưới tại gia. Ví dụ:
Hôn Lễ Được Cử Hành Tại Tư Gia Vào Lúc:
08h00
Ngày Chủ Nhật 24/01/2021
(Nhằm Ngày 12 Tháng Chạp Năm Canh Tý).
- Giờ, Ngày, Tháng, Năm diễn ra Tiệc Cưới. Ví dụ:
Trân Trọng Kính Mời
…………………………………………………………………..
Đến Dự Buổi Tiệc Chung Vui Cùng Gia Đình Chúng Tôi Vào Lúc:
18h00
Ngày Chủ Nhật 24/01/2021
(Nhằm Ngày 12 Tháng Chạp Năm Canh Tý).
- Địa chỉ Nhà Hàng, tên sảnh tiệc, lầu diễn ra Tiệc Cưới. Ví dụ:
Tại:
Khách Sạn Nikko Saigon
Sảnh: Nikko Garden
235 Nguyễn Văn Cừ, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM.
Sự Hiện Diện Của Quý Khách Là Niềm Vinh Hạnh Cho Gia Đình Chúng tôi.
Kính Mời.
Chọn hình dạng và kích thước Thiệp Cưới.
Tùy thuộc sở thích, phong cách của mỗi Cô Dâu Chú Rể mà Thiệp Cưới được thiết kế theo những hình dáng khác nhau, nhưng có ba dạng Thiệp Cưới phổ biến là:
- Thiệp Cưới hình vuông.
- Thiệp Cưới hình chữ nhật.
- Thiệp Cưới hình tròn.
Cặp đôi sẽ dựa trên hình dáng của Thiệp Cưới để chọn kích thước Thiệp Cưới phù hợp, chẳng hạn:
- Thiệp Cưới kích thước 8,5 cm x 12 cm.
- Thiệp Cưới kích thước 9,5 cm x 22 cm.
- Thiệp Cưới kích thước 12 cm x 8 cm.
- Thiệp Cưới kích thước 12 cm x 17 cm.
- Thiệp Cưới kích thước 15 cm x 15 cm.
Lưu ý rằng, danh sách trên chỉ là kích thước Thiệp Cưới thông dụng để tham khảo, không bắt buộc chúng ta phải làm đúng như vậy 100%, mà mỗi đôi có thể thay đổi làm sao cho phù hợp với sở thích và ý tưởng thiết kế.
- Kích thước Thiệp Cưới hình vuông phổ biến: 12 cm x 12 cm, 15 cm x 15 cm…
- Kích thước Thiệp Cưới hình chữ nhật phổ biến: 12 cm x 8 cm, 12 cm x 17cm…
- Kích thước Thiệp Cưới hình tròn phổ biến: Được dựa trên kích thước của Thiệp Cưới hình vuông để xác định đường kính.
Chọn loại giấy in ấn Thiệp Cưới.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn về loại giấy in ấn Thiệp Cưới kể từ định lượng giấy, màu sắc giấy, bề mặt giấy, kiểu gân giấy, tùy theo bạn muốn có mẫu Thiệp Cưới theo phong cách nào, dự chi bao nhiêu mà chọn loại giấy in Thiệp Cưới cho phù hợp. Do chất liệu là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến ngân sách in Thiệp Cưới, nên Mate đã tổng hợp danh sách các loại giấy in phổ biến dưới đây có thể giúp bạn tham khảo nhanh chóng:
- Giấy Ford: Giấy Ford có bề mặt hơi nhám, độ bám mực thấp, chủ yếu dùng để in các loại Thiệp Cưới chi phí rẻ. Đây là loại giấy phổ biến nhất hiện nay với định lượng khoảng 70 – 90 g/m2 (hay gsm – viết tắt của “Grams per square Meter” có nghĩa là số gram trên mỗi mét vuông giấy).
- Giấy Couche: Giấy Couche có bề mặt láng, mịn, độ trắng cao, bắt mực tốt, chi phí vừa phải phù hợp với túi tiền của nhiều người nên thường được dùng để in Thiệp Cưới, Thiệp Mời, Catalogue… Định lượng của giấy Couche nằm trong khoảng từ 80 – 350 gsm, tùy vào mục đích sử dụng và ngân sách mà bạn có thể chọn độ dày mỏng của giấy khác nhau.
- Giấy Crystal: Giấy Crystal có một mặt rất bóng như được phủ một lớp keo, mặt còn lại hơi nhám. Khi in trên giấy Crystal mực không bị nhòe lại dễ dàng lật trang nhờ có độ vênh thấp. Định lượng của giấy Crystal thường khoảng 230 – 350 gsm thích hợp để in bìa sách, tạp chí, Thiệp Cưới…
- Giấy Duplex: Giấy Duplex được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao giúp tráng phủ bề mặt giấy theo tiêu chuẩn cao cấp. Giấy Duplex có bề mặt láng, độ trắng cao, mặt sau của giấy có màu sẫm như giấy bồi thường được dùng cho các sản phẩm in ấn đòi hỏi độ chắc chắn, cứng cáp. Ngoài ra, tùy theo cách tráng phủ mà người ta chia giấy Duplex thành hai loại, gồm: giấy Duplex 01 mặt và giấy Duplex hai mặt, với định lượng phổ biến trong khoảng từ 250 – 500 gms, đôi khi còn trang trí thêm gân, dát vàng, phủ kim loại… dùng in Thiệp Cưới vô cùng đẹp mắt.
- Giấy Bristol: Giấy Bristol có định lượng khoảng 67 – 400 gsm là loại giấy bìa nhưng không được tráng phủ, tuy nhiên 02 mặt được tráng trắng, láng có độ bóng và mịn, bám mực tốt đạt hiệu quả cao khi in ấn, khá phù hợp sử dụng làm name card, bao bì, brochure, tờ rơi, Thiệp Mời,…
- Giấy Eco Heim: Giấy Eco Heim hay còn gọi là giấy mỹ thuật Hàn Quốc với 03 màu gồm trắng sữa (White), trắng ngà (Ivory) và màu be (Beige) cùng hai định lượng cơ bản là 120 gsm, 220 gsm. Bề mặt giấy Eco Heim có hoa văn như sản phẩm thủ công truyền thống của Hàn Quốc kết hợp màu sắc cổ điển tạo nên sự sang trọng, thanh lịch cùng cảm giác tuyệt vời khi chạm tay vào.
Sử dụng phần mềm thiết kế Thiệp Cưới.
Khi tổng hợp đầy đủ (01) thông tin để thiết kế Thiệp Cưới, (02) chọn được hình dạng và kích thước Thiệp Cưới, cũng như (03) xác định được loại giấy in Thiệp Cưới phù hợp thì bạn có thể tiến hành bước (04) thiết kế Thiệp Cưới bằng phần mềm. Đối với lĩnh vựcthiết kế Thiệp Cưới, người ta thường sử dụng những phần mềm phổ biến như Adobe Illustrator, CorelDRAW, Adobe Indesign, Adobe Photoshop… trong đó Illustrator và CorelDRAW được ưa chuộng nhất.
Thực tế, không có phần mềm nào là tốt nhất, Thiệp Cưới đẹp hay không phụ thuộc vào tay nghề và ý tưởng của người thiết kế, phần mềm chỉ là công cụ giúp hiện thực hóa ý tưởng, nếu bạn thành thạo phần mềm nào thì hãy tự tin dùng phần mềm đó.
Xuất film, phơi kẽm Thiệp Cưới.
Xuất film là gì? Đối với những mẫu thiết kế gồm nhiều màu sắc và hình ảnh, người ta phải tách thành 04 tấm film đại diện cho 04 màu là C (Cyan), M (Magenta), Y (Yellow), K (Black) theo hệ màu CMYK và phơi lần lượt từng tấm film lên bản kẽm để tạo thành khuôn in.
Bản kẽm là gì? Bản kẽm hiểu đơn giản nhất chính là khuôn in, do trước đây người ta sử dụng kẽm là nguyên liệu chính để tạo khuôn in, nên bây giờ dù nguyên liệu làm khuôn in đã thay đổi nhưng tên gọi bản kẽm vẫn được giữ nguyên như một thói quen. Tuy nhiên, nếu chỉ cần in vài trăm bộ Thiệp Cưới thì bạn không cần quan tâm đến việc xuất film, phơi kẽm do khâu này vốn dành để in offset với số lượng lớn.
In bản mẫu (nháp) Thiệp Cưới.
Sau khi duyệt file thiết kế Thiệp Cưới với sự kiểm tra kỹ lưỡng về nội dung và chính tả, bạn nên “in thử” mẫu Thiệp Cưới hay còn gọi là in nháp (in proof) trước khi tiến hành in ấn hàng loạt.
Thông thường nếu xem trên màn hình máy tính và in ấn thực tế sẽ có sự sai lệch về màu sắc, nên giữa bạn và phía nhà in cần có bản in proof để làm cơ sở căn chỉnh màu. Bản in proof được xem là đạt tiêu chuẩn khi màu giống 90 – 95% so với thiết kế.
Tiến hành in Thiệp Cưới hàng loạt.
Quá trình in ấn Thiệp Cưới đóng vai trò quan trọng quyết định đến 70% sự thành công của bộ thiệp từ vẻ đẹp lẫn độ sang trọng. Hiện nay, để in Thiệp Cưới người ta áp dụng những công nghệ hàng đầu bao gồm in kỹ thuật số, in offset, in lụa, in typo,… Trong đó in kỹ thuật số là được ưa chuộng hơn cả, thông thường Quy trình in ấn Thiệp Cưới sẽ trải qua các bước sau đây:
- In phẳng trên bề mặt giấy (in 2D): Công nghệ này được đánh giá là dễ thực hiện và phổ biến giúp tạo nên những bộ Thiệp Cưới có hình ảnh rõ nét, màu sắc đẹp, độ phủ màu cao.
- In phần nổi, in phần chìm: Kỹ thuật in phần nổi, in phần chìm còn được gọi là Letterpress được dùng để tạo điểm nhấn cho chữ hoặc các họa tiết, qua đó giúp bộ Thiệp Cưới tăng thêm tính thẩm mỹ và cảm nhận.
- Kỹ thuật ép kim, ép nhũ: Kỹ thuật ép kim còn được gọi là kỹ thuật mạ kim loại giúp tạo nên sự lấp lánh, độ bóng và bắt sáng cho bề mặt sản phẩm. Trong lĩnh vực in ấn Thiệp Cưới muốn tăng thêm sự thu hút người ta thường ép kim tên của Cô Dâu Chú Rể hoặc hoa văn, hình ảnh, font chữ nào muốn được chú ý đến.
- Khắc họa chi tiết bằng laser: Sử dụng công nghệ cắt laser có thể giúp chúng ta sáng tạo nên những mẫu Thiệp Cưới cầu kỳ và tinh tế. Bởi với công nghệ cắt laser có thể cắt tỉa được các mẫu hoa văn tinh xảo, thể hiện đường nét với độ mỏng (mảnh) mà kỹ thuật trước đây không làm được.
Bế khuôn tạo hình Thiệp Cưới hoàn chỉnh.
Khi hoàn thành khâu in ấn, bản in Thiệp Cưới chỉ là mặt giấy phẳng kèm hoa văn, màu sắc ở trên đó, muốn tạo nên mẫu Thiệp Cưới hoàn chỉnh cần trải qua công đoạn bế khuôn, định hình sản phẩm.
Vậy khuôn bế là gì? Khuôn bế thường được làm từ một loại ván dày kết hợp với lưỡi dao cấn giúp tạo ra các đường hấp nếp và đường cắt linh hoạt. Khuôn bế đảm bảo mọi sản phẩm có kích thước đồng đều chính xác, giúp việc tạo ra sản phẩm nhanh chóng và dễ dàng hơn, ví dụ: bao bì, giấy decal, Thiệp Mời, Thiệp Cưới, túi giấy, hình hộp,… Sau công đoạn này là chúng ta đã có thể đóng gói Thiệp Cưới và bàn giao cho gia đình để tiến hành viết thiệp, mời thiệp.
Hoàn thiện Thiệp Cưới với thao tác thủ công.
Đối với những mẫu Thiệp Cưới đặc biệt, người ta sẽ tiếp tục hoàn thiện bằng các thao tác thủ công tạo nên dòng Thiệp Cưới kết hợp handmade. “Trong giai đoạn làm thủ công, Thiệp Cưới được bổ sung thêm nơ, ruy băng có màu sắc phù hợp; Hoặc kết thêm hoa tươi, hoa khô; Hay đóng mộc, đóng dấu sáp với hoa văn, họa tiết được thiết kế riêng giúp cho bộ Thiệp Cưới có sự độc đáo, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ với người nhận” – Chị Phương Anh cho biết.
Mate hi vọng qua bài hướng dẫn Quy trình làm và in Thiệp Cưới tự thiết kế, bạn đã nắm được những công đoạn quan trọng và cần thiết nhất để có thể sản xuất ra được mẫu Thiệp Cưới ưng ý. Trường hợp bạn muốn có một Đám cưới đồng bộ cả về màu sắc, chất liệu, phong cách thiết kế, bao gồm những chi tiết trang trí trong Tiệc Cưới cho đến Thiệp Cưới và các ấn phẩm như bảng tên bàn tiệc, tờ giới thiệu thực đơn Tiệc Cưới, tờ giới thiệu chương trình Tiệc Cưới và hộp quà tặng thì Mate rất hân hạnh được đồng hành cùng bạn.