Hướng dẫn cách ghi thông tin phụ huynh trên thiệp cưới

Nhiều Cô Dâu Chú Rể gặp tình huống khó xử trong việc in tên trên Thiệp Cưới khi Cha và Mẹ không sống cùng với nhau hoặc một trong hai người đã khuất. dưới đây, Mate sẽ hướng dẫn cách ghi thông tin phụ huynh trên Thiệp Cưới dành cho những bạn không may rơi vào hoàn cảnh như trên.

Hướng dẫn cách ghi thông tin phụ huynh trên Thiệp Cưới.

In Thiệp Cưới khi phụ huynh không sống cùng nhau.

Cách in thông tin thiệp khi Cha Mẹ ly hôn.

Trường hợp Cha và Mẹ ly hôn nhưng không tái hôn: 

  • Nếu bạn còn giữ mối liên hệ với Cha hoặc Mẹ và trong đời sống hai bên vẫn thăm hỏi, gặp gỡ nhau thì nên in đầy đủ cả tên Cha và Mẹ trên Thiệp Cưới như bình thường.
  • Nếu bạn không còn giữ mối liên hệ với Cha hoặc Mẹ, hoặc rất hiếm khi gặp nhau hoặc giữa 02 bên có kỷ niệm không tốt đẹp thì có thể không cần in tên người đó trên Thiệp Cưới. Trong tình huống này, Thiệp Cưới chỉ để tên một người hoặc nhờ người khác làm đại diện nếu thấy cần thiết.

Đối với vấn đề này, Chú Rể Quốc Phương chia sẻ câu chuyện thực tế của anh như sau: “Ba ruột tôi bỏ Mẹ con tôi đi từ khi tôi còn nhỏ, một mình Mẹ nuôi tôi ăn học trưởng thành cho đến giờ. Mặc dù tôi có tin tức của ba ruột nhưng đó giờ không gặp lại nên khi làm Đám cưới tôi không mời, trên Thiệp Cưới chỉ để tên Mẹ và nhờ Cậu em của Mẹ làm người Đại diện”.

Cách in thông tin thiệp khi Cha Mẹ tái hôn.

Nếu Cha hoặc Mẹ đã tái hôn và hiện tại bạn đang sống với Cha Dượng/Mẹ Kế và có tình cảm yêu quý người này, đồng thời trong Đám cưới sẽ có sự tham dự của Cha Ruột/Mẹ Ruột để tránh việc làm buồn lòng các bên thì bạn có thể phân Thiệp Cưới thành 02 loại. Ví dụ tình huống cụ thể như sau: Bạn đang sống cùng Mẹ và Cha Dượng, đồng thời vẫn còn mối liên hệ tốt đẹp với Cha Ruột.

  • Thiệp mời khách của Mẹ và Cha Dượng sẽ in tên Mẹ cùng tên Cha Dượng.
  • Thiệp mời khách của Cha Ruột sẽ in tên Mẹ cùng tên Cha Ruột.

Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, Cô Dâu Chú Rể còn chọn cách ghi đầy đủ tên cả ba người, vì thế ở những cửa hàng In Ấn Thiệp Cưới chuyên nghiệp, người ta thường có sẵn mẫu thiệp dạng này để cho bạn tham khảo. Ngoài ra, nếu bạn không ghi tên Cha Dượng/Mẹ Kế lên thiệp cũng ngầm thể hiện bạn không sống cùng Cha Dượng/Mẹ Kế hoặc mối quan hệ giữa đôi bên không tốt đẹp.


In Thiệp Cưới khi Cha hoặc Mẹ đã qua đời.

Trường hợp Cha/Mẹ không tái hôn.

Nếu Cha hoặc Mẹ đã mất, người còn lại không tái hôn thì Cô Dâu Chú Rể có thể chọn 01 trong 02 cách ghi tên trên Thiệp Cưới như sau:

  • Chỉ ghi tên người còn sống. Cụ thể nếu Cha đã khuất bạn còn Mẹ thì trên Thiệp Cưới bên cạnh tên Mẹ ghi thêm “Bà Quả Phụ”.
  • Nếu muốn ghi tên người đã khuất thì người nào mất bên cạnh tên sẽ ghi thêm Cố Phụ hoặc Cố Mẫu nhằm chỉ người đã đi xa.

Trường hợp Cha/Mẹ đã tái hôn.

Nếu Cha hoặc Mẹ đã mất, người còn lại tái hôn với Cha Dượng/Mẹ Kế và bạn sống cùng hai người: Bạn nên ghi tên Cha Ruột/Mẹ Ruột cùng tên Mẹ Kế/Cha Dượng trong Thiệp Cưới, bởi người đã khuất không thể đứng ra lo việc tổ chức Đám cưới. Ngoài ra, do bạn đang sống cùng Cha Dượng/Mẹ Kế thì nếu ghi tên của người dạy dỗ, nuôi dưỡng là đúng đạo, phải lý.

Trường hợp cả Cha và Mẹ cùng qua đời.

Nếu cả Cha và Mẹ đều đã mất, Cô Dâu Chú Rể có thể chọn một trong những cách in tên trên Thiệp Cưới sau đây:

  • Phần lớn các cặp đôi được khuyên nên in đầy đủ tên Cha và Mẹ, tuy nhiên bên cạnh tên người đã khuất ghi là “Cố Phụ”, “Cố Mẫu” hoặc chú thích bên dưới tên với dòng “Song Đường Quá Vãng”.
  • Nếu Cô Dâu Chú Rể không muốn ghi trên Thiệp Cưới rằng Cha Mẹ đã qua đời có thể chọn cách ghi tên người đỡ đầu, bởi từ xa xưa người Việt đã quen thuộc với những câu tục ngữ như “Sẩy Cha còn Chú, sẩy Mẹ bú Dì” hay “Quyền Huynh thế Phụ”… Vì vậy, bạn có thể ghi tên chủ hôn là Anh Chị ruột hoặc Cô, Dì, Chú, Bác trong gia đình, đồng thời đổi lời thông báo thành: “Trân trọng báo tin Lễ vu quy/Lễ Thành Hôn của cháu chúng tôi/em chúng tôi”.

Chị Phương Anh chia sẻ: “Khi tổ chức Lễ cưới tại gia, bạn có thể nhờ vị chủ hôn giải thích để quan viên hai họ hiểu rõ gia cảnh, hoặc trong Tiệc Cưới thì nhờ MC nói đôi lời nếu thấy cần thiết. Chỉ cần vài lời thưa chuyện có trước có sau sẽ giúp bạn tránh những lời bàn tán không hay trong Ngày Vui”.

Thực tế, những tình huống như trên khá điển hình trong các gia đình nên có nhiều cách giải quyết khác nhau dựa trên quan niệm và mong muốn của người trong cuộc. Bên cạnh việc tham khảo hướng dẫn cách ghi thông tin phụ huynh trên Thiệp Cưới, bạn cần hỏi ý kiến của người lớn và bàn bạc kỹ lưỡng trước khi tiến hành, tránh gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình và làm buồn lòng mọi người xung quanh.

To the main pageNext article