Gợi ý những ý tưởng đám cưới thân thiện với môi trường
Nếu bạn đã biết đến xu hướng Đám cưới thân thiện với môi trường hay còn gọi là Eco-friendly Wedding, và muốn tổ chức theo phong cách này nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bài viết “Gợi ý những ý tưởng Đám cưới thân thiện với môi trường” mà Mate biên soạn sau đây có thể mang đến cho bạn nhiều lựa chọn thú vị.
Gợi ý những ý tưởng Đám cưới thân thiện với môi trường.
Tìm kiếm địa điểm tổ chức phù hợp.
Muốn tổ chức Eco-friendly Wedding thành công tốt đẹp, bạn không thể nào lơ là khâu tìm kiếm địa điểm tổ chức – một nơi phải “xanh” cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Đầu tiên, địa điểm tổ chức cần sở hữu không gian mát mẻ, thoáng đãng với nhiều cây cối ở xung quanh tạo nên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thanh bình. Bên cạnh đó, địa điểm cần được xây dựng bởi người chủ đầu tư có ý thức cao trong vấn đề bảo vệ môi trường, gìn giữ hệ sinh thái như sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, trồng những loài cây chịu hạn hán, trang bị tấm pin năng lượng mặt trời, bóng đèn tiết kiệm, hệ thống nhà vệ sinh có dòng chảy thấp, các sản phẩm dễ dàng phân hủy sinh học… Về khoản địa điểm, nếu đã phù hợp dành cho Eco-friendly Wedding chắc chắn cực kỳ thích hợp để tổ chức Lễ Thề Nguyền hay còn gọi là Lễ cưới theo kiểu Tây – một xu hướng Lễ cưới văn minh, ý nghĩa đang được các cặp đôi yêu thích.
Chọn nơi đặt tiệc có ý thức môi trường.
Trong Đám cưới, thực phẩm luôn là thành phần gây lãng phí lớn nhất với nhiều nguyên nhân, một phần là do khách không dùng hết lượng thức ăn, hai là do cặp đôi phải dự trù nếu lỡ phát sinh, ba là có những vị khách bất ngờ không thể tham dự. Vì thế khi muốn tổ chức Eco-friendly Wedding, bạn cần chọn được đơn vị catering không chỉ “lành nghề” mà còn phải có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường. Bằng kinh nghiệm, họ sẽ tư vấn cho bạn chọn nguyên liệu thực phẩm sẵn có ở địa phương hoặc lên thực đơn Tiệc Cưới theo mùa. Ngoài ra, họ còn có trong tay một danh sách gồm các trung tâm cần bảo trợ xã hội để trao tặng phần thức ăn thừa sau tiệc.
Lựa chọn váy cưới thân thiện với môi trường.
Theo nghiên cứu của Ellen MacArthur Foundation, quá trình sản xuất dệt may thải ra 1,02 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm, nếu bạn muốn làm Eco-friendly Wedding mà lại may váy cưới mới hoàn toàn thì rõ ràng không phải là điều đúng đắn, thay vì vậy nên chọn cho mình một chiếc váy cưới thân thiện với môi trường, nhưng như thế nào là váy cưới thân thiện với môi trường?
Muốn có được chiếc váy cưới thân thiện với môi trường, tốt nhất bạn nên mượn hoặc thuê thay vì may váy mới, dù sao bạn cũng chỉ mặc một lần mà thôi. Sử dụng váy cưới secondhand của bạn bè nếu họ tổ chức cưới trước bạn, hoặc nếu bạn thuộc tuýp người hoài cổ, hãy hỏi Mẹ hoặc Bà xem bạn có thể mượn chiếc váy mà họ từng mặc trong Ngày Cưới hay không. Ngoài ra, trường hợp bạn cần thiết phải có một chiếc váy cưới mới thì nên ủng hộ sản phẩm của những nhà thiết kế mà qua tìm hiểu bạn biết họ sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường.
Hợp tác với team trang trí cùng quan điểm.
Theo bạn vào cuối buổi tiệc tất cả những mẫu trang trí hoa tươi đẹp đẽ kia sẽ đi về đâu? Phần lớn các trường hợp là nằm trong thùng rác. Muốn giảm thiểu sự lãng phí này, bạn nên hợp tác với một team trang trí chuyên nghiệp, có chung quan điểm về ý thức bảo vệ môi trường, nhờ đó họ sẽ đề xuất cho bạn nhiều ý tưởng khả thi. Chẳng hạn sử dụng hoa khô hoặc trang trí bằng cây trồng trong chậu để sau buổi tiệc bạn và khách mời có thể mang về nhà. Trong trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn hoa tươi, cần đảm bảo team trang trí ưu tiên chọn hoa theo mùa, không ngâm thuốc hóa học, không sử dụng xốp cắm hoa (florist foam), đồng thời hạn chế chọn nguồn hoa tươi ở xa sẽ giúp giảm thiểu xăng dầu và chất thải từ phương tiện vận chuyển.
Tận dụng đồ vật cũ còn dùng được.
Thay vì phải đầu tư mua mới hoàn toàn, rồi sau Đám cưới không cần đến nữa thì bạn nên tận dụng các đồ vật cũ, mang đến cho chúng một đời sống khác. Đầu tiên, hãy tìm kiếm ngay trong chính ngôi nhà của mình hay ở trong kho xem có món đồ nào còn sử dụng được, kế đến là hỏi thăm họ hàng, bạn bè hoặc là tìm đến các shop đồ cũ, nơi bán vật liệu ve chai. Biết đâu bạn có thể tìm thấy những đồ dùng Trang trí Đám cưới như thảm dệt may, khăn vải, đèn lồng, đồ sứ kiểu cổ, giá đựng bánh, bình hoa, giỏ hoa, khung, lồng chim, chân nến,… bằng đôi tay khéo léo cùng với một chút sáng tạo bạn có thể biến món đồ ấy thành một điểm nhấn trang trí độc đáo. Trong trường hợp bắt buộc phải mua mới, hãy nghĩ về kế hoạch sử dụng chúng sau Đám cưới như vậy thì món đồ sẽ không trở nên uổng phí.
Tìm hiểu nguồn gốc Nhẫn Cưới.
Những cặp đôi Người Việt Nam thường không quan tâm đến nguồn gốc của Nhẫn Cưới, nhưng đối với các đôi ở phương Tây lại là một vấn đề quan trọng. Họ muốn biết rõ về nguồn gốc của kim loại, đá quý được khai thác từ đâu? Nơi đó có xảy ra tình trạng bóc lột sức lao động, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em hay không? Đất nước đó có đang xảy ra chiến tranh hay không? Việc khai thác đá quý, kim cương có phục vụ cho mục đích trang bị vũ khí, đầu tư quân sự để tiếp tục cuộc chiến hay không. Kế đến là quá trình chế tác kim cương sau khai thác có đúng tiêu chuẩn Thương Mại Công Bằng (Fairtrade Standards) hay không, theo đó các nhà sản xuất kinh doanh phải cam kết an toàn và bền vững, đảm bảo sự công bằng cho người lao động, không trả lương thấp hơn thị trường, hướng đến cuộc sống mà tất cả mọi người đều xứng đáng được hưởng thụ.
Trong trường hợp không tìm được câu trả lời thỏa đáng, cặp đôi sẽ từ chối mua sản phẩm, thay vào đó họ chọn Nhẫn Cưới của các nhãn hiệu có sự cam kết bền vững, khai thác đá quý theo Quy trình có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Hoặc sử dụng Nhẫn Cưới gia truyền của Cha Mẹ hoặc Ông Bà để lại. Chọn Nhẫn Cưới có nguồn gốc rõ ràng chính là bước khởi đầu để cặp đôi thực hiện một Eco-friendly Wedding.
Dùng giấy tái chế để in ấn.
Bạn có biết rằng quá trình sản xuất giấy chính là nguồn gây ô nhiễm lớn, làm tiêu hao tài nguyên khổng lồ, bởi vì mỗi tấn giấy cần đến 200 – 300m3 nước, đồng thời cho ra lượng nước thải tương đương kèm theo hóa chất. Trong khi đó, Đám cưới cần rất nhiều giấy để phục vụ việc in ấn thiệp Save The Date, thiệp mời, tờ nội dung chương trình, thực đơn, và thiệp cảm ơn…
Để bảo vệ môi trường, Mate khuyến khích bạn hãy sử dụng các loại giấy tái chế, giúp giảm thiểu lượng chất thải, giúp cây xanh bớt bị đốn hạ, giúp giảm chi phí xử lý chất thải. Bạn có thể cân nhắc để ủng hộ sản phẩm của các công ty in thiệp ở nước ngoài có cam kết dùng mực in từ thực vật, trồng thêm cây xanh mỗi khi nhận được đơn đặt hàng như Paperlust hay Paper Culture. Bên cạnh đó, khi đời sống ngày càng văn minh hiện đại hơn, bạn cũng nên nghĩ đến việc sử dụng hình thức mời dự Đám cưới qua online. Về mặt lý thuyết là như vậy nhưng để áp dụng trong văn hóa của Người Việt Nam chắc chắn còn là quá trình đầy gian nan, vất vả.
Thuê nhà cung cấp tại địa phương.
Khi bạn quyết định “đi xa để Cưới” tức theo hình thức Destination Wedding, hãy trao cơ hội cho các nhà cung cấp tại địa phương nhiều nhất có thể. Nếu không phải vận chuyển mọi thứ từ Sài Gòn đến nơi tổ chức sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, đồng thời giúp giảm thiểu khí thải từ phương tiện giao thông ra môi trường. Đơn cử một số công đoạn như thuê đơn vị phục vụ tiệc và trang trí là người bản xứ, sử dụng loài hoa và cây trồng phổ biến tại đây, bao gồm cả việc trang trí với cây được trồng ở trong chậu để sau đó có thể tái sử dụng mà không làm hại cho cây.
Đưa đón khách mời bằng xe đoàn.
Sắp xếp phương tiện đưa đón khách mời vừa phù hợp khi tổ chức Destination Wedding ở nơi xa, vừa thuận tiện cho after-party nếu diễn ra trong thành phố. So với việc mỗi vị khách sử dụng phương tiện giao thông cá nhân riêng thì nên tập trung để xe đưa đón cho an toàn (xe 16, 29, hoặc 45 chỗ tùy lượng khách), nhất là khi ai cũng có một chút men trong người chứ không hoàn toàn tỉnh táo. Chị Phương Anh chia sẻ: “Di chuyển tập thể là điều mà một Eco-friendly Wedding nên áp dụng, bởi ngoài sự an toàn thì sẽ thêm vui, tránh tình trạng lạc đường, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu khí thải từ phương tiện, giảm chi phí bãi đậu và gửi xe nhất là ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội”.
Hệ thống phân loại rác từ nguồn.
Điều này có vẻ khó thực hiện ngay trong buổi Tiệc Cưới, nhưng nếu thật sự quan tâm bảo vệ môi trường thì bạn sẽ có cách để thực hiện. Hãy bàn bạc trước với Wedding Planner cùng quản lý của địa điểm tổ chức rằng bạn muốn rác sẽ được phân loại ngay từ đầu, và đây là điều kiện quan trọng quyết định việc bạn có chọn nơi đó để tổ chức tiệc hay không. Cách phân loại rác có thể chia ra từng nhóm như sau: 1) Lon bia, lon nước ngọt và các chai lọ thủy tinh; 02) Các loại rác thải từ nhựa, chai nước suối, ống hút, bao ni-lông; ba) Rác hữu cơ gồm thức ăn, rau củ quả, trái cây thừa trong buổi tiệc. Việc phân loại từ đầu sẽ giúp quá trình xử lý rác dễ dàng, thuận tiện hơn về sau.
Cho tặng hoa tươi sau buổi tiệc.
Tổ chức Eco-friendly Wedding cần hạn chế sử dụng các loại hoa tươi và lá cây nhằm tránh gây tổn hại đến các loại cây trồng, cũng như môi trường thiên nhiên. Nhưng nếu cặp đôi quá yêu thích loài hoa nào đó, hoặc cho rằng Đám cưới không thể trọn vẹn nếu thiếu hoa thì hãy tìm cách tái sử dụng chúng, giúp chúng có một vòng đời dài hơn. Trước tiên, cặp đôi khuyến khích gia đình và người thân nên lấy hoa về sau buổi tiệc trưng ở nhà nếu thích. Kế đến có thể quyên góp, trao tặng số hoa tươi này cho bệnh viện, trường học, viện dưỡng lão, những cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ.
Lên kế hoạch quyên tặng thức ăn sau tiệc.
Trong lúc bạn tổ chức tiệc tùng, ăn uống linh đình thì hãy nhớ rằng ở ngoài kia còn có nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, trẻ em lang thang cơ nhỡ ngủ ở công viên, gầm cầu… Bạn cần lên kế hoạch cụ thể cho những phần thức ăn thừa để sau buổi tiệc là sắp xếp xe vận chuyển đến nơi cần thiết, tránh rơi vào tình trạng lúng túng không biết phải xử lý như thế nào dẫn đến việc phải đổ rác. Ngay từ khi làm việc với nhà hàng hoặc dịch vụ catering, hãy thảo luận về vấn đề này, thường thì các đơn vị chuyên ẩm thực sẽ có sẵn danh sách những địa chỉ để trao tặng đồ ăn, và nếu làm từ thiện bằng đồ ăn thì cũng cần sự đàng hoàng, tử tế.
Ủng hộ các sản phẩm từ thiện.
Bạn hãy tìm hiểu và chọn mua các sản phẩm ở những công ty mà họ dùng lợi nhuận từ việc kinh doanh cho mục đích từ thiện, hoặc phục vụ vì lợi ích của cộng đồng. Chẳng hạn, tặng quà cho khách mời bằng những món quà làm từ mây tre lá, sản phẩm thủ công mà những sản phẩm này giúp tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật, đồng thời chất liệu tạo nên sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo quan điểm của Mate, nhiệm vụ bảo vệ môi trường không nên là xu hướng nhất thời bởi xu hướng rồi sẽ thoái trào, mà phải trở thành phong cách sống, là ý thức ăn sâu vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta. Gợi ý những ý tưởng Đám cưới thân thiện với môi trường dù có hay thế nào nhưng khi bạn không hiểu rõ chắc chắn lúc thực hiện không được triệt để, thậm chí có thể gây hại nhiều hơn nếu xảy ra sai sót. Nếu bạn thật sự yêu thích và chọn tổ chức Eco-friendly Wedding nhất định phải thực hành lối sống Eco-friendly lifestyle trước đã.