Chuẩn bị lễ vật dạm ngõ theo phong tục của 3 miền

Lễ dạm ngõ là một buổi gặp mặt chính thức, thân tình giữa 02 bên gia đình qua đó bàn Hôn sự cho đôi trẻ, chính vì vậy, để chuẩn bị cho buổi gặp gỡ đầu tiên này lễ vật là điều Nhà Trai không thể thiếu khi sang Nhà Gái. Đôi khi, lễ vật dạm ngõ chỉ cần một khay trầu, một chai rượu ngon là đủ, tuy nhiên, thủ tục ở mỗi địa phương sẽ có thay đổi ít nhiều, do đó mà Mate đã soạn bài “Chuẩn bị lễ vật dạm ngõ theo thủ tục của ba miềndưới đây, xin mời bạn cùng theo dõi.

Chuẩn bị lễ vật dạm ngõ theo thủ tục của ba miền.

Không riêng đối với người Việt mà trong cách ứng xử văn hóa của nhiều dân tộc khác trên thế giới, để thể hiện sự chu đáo các vị khách thường mang theo quà tặng cho chủ nhà mỗi khi đến chơi. Đôi khi món quà tặng không cần phải có giá trị thật cao, hay rất khó tìm mà chỉ cần được chuẩn bị kỹ càng, gói ghém cẩn thận và tuân thủ theo những quy định cụ thể thì khi đó quà tặng trở thành sính lễ, lễ vật. Theo ý đó, lễ vật dạm ngõ cũng chỉ là những món quà tặng rất đơn giản và thông dụng mà thôi.

Lễ vật dạm ngõ theo phong tục Miền Bắc.

Lễ vật dạm ngõ ở Miền Bắc gồm những gì? So với ba miền thì phong tục của người Miền Bắc thường yêu cầu Nhà Trai phải chuẩn bị lễ vật dạm ngõ đầy đủ, chỉn chu nhất, những lễ vật này sẽ được bày biện trong tráp, được gọi là tráp dạm ngõ, gồm có:

  • Trầu – Cau. 
  • Trà. 
  • Rượu. 
  • Hoa quả. 
  • Bánh.

Theo thông lệ, nếu để đơn giản thì Nhà Trai chỉ cần gói tất cả các lễ vật trên vào chung một tráp, xếp dạng hình tháp (xếp lên cao), xung quanh kết hoa tươi và phủ khăn đỏ. Tuy nhiên, nếu muốn tổ chức Lễ dạm ngõ long trọng hơn, Nhà Trai có thể tách các lễ vật trên thành nhiều tráp khác nhau thay vì dồn vào một tráp, tất nhiên số lượng lễ vật trong mỗi tráp sẽ tăng thêm nhiều nhưng không quá quan trọng, miễn cân đối làm sao để sắp xếp thành tráp cao đẹp mắt là được.

Lễ vật dạm ngõ theo phong tục Miền Trung.

Đối với người Miền Trung, vốn nổi tiếng với câu nói “Trọng lễ nghi, khi tài vật”, nghĩa là tổ chức Lễ dạm ngõ quan trọng nhất phải đầy đủ trình tự lễ nghĩa theo ông bà ta ngày xưa, còn sính lễ quà tặng thì có sao Nhà Gái sẽ nhận vậy, không bắt buộc Nhà Trai phải chuẩn bị cầu kỳ. Do đó, lễ vật dạm ngõ ở Miền Trung thường chỉ có:

  • Khay Trầu – Cau.
  • Chai Rượu gói giấy đỏ.

Ngoài ra, muốn cho Nhà Gái thêm vui lòng thì Nhà Trai có thể chuẩn bị thêm một số loại bánh làm quà tặng, chọn bánh cũng nên là những đặc sản có tại địa phương, chứ Nhà Trai đừng câu nệ mà chọn sản vật ở nơi khác đến vừa cực mà nhiều khi không hợp ý bên Nhà Gái.


Xem thêm: Chuẩn bị lễ vật Đính hôn gồm những gì?

Lễ vật dạm ngõ theo phong tục Miền Nam.

Nét đặc trưng trong tính cách của người Miền Nam là chân chất, phóng khoáng nên đối với họ chuẩn bị Lễ Đám Nói chỉ cần sính lễ đơn sơ nhưng chỉn chu là đủ (người Miền Nam gọi Lễ dạm ngõ là Lễ Đám Nói, Lễ Đi Nói), đặc biệt là người dân sinh sống tại khu vực Tây Nam Bộ lại càng thoải mái hơn. Để sắm sửa lễ vật Đám Nói theo phong cách của người Miền Nam, chúng ta cần chuẩn bị:

  • Cặp Trà. 
  • Cặp Rượu. 
  • Trái Cây ngũ quả.
  • Khay Trầu têm cánh Phượng.

Trường hợp kết sui gia giữa hai gia đình người Miền Nam với nhau, nếu cả 02 bên đều không nặng nề chuyện lễ vật mà cùng xuề xòa thoải mái, thì đôi khi Nhà Trai chỉ cần mang khay trầu và chai rượu đến cũng được Nhà Gái chấp nhận và xem như là đủ lễ, chuyện này phổ biến đến mức người ta còn gọi Lễ Đám Nói Lễ Bỏ Rượu.

Cách chuẩn bị lễ vật dạm ngõ theo phong tục của ba miền ở trên chỉ mang tính tham khảo, bởi ngày nay, việc kết hôn giữa người từ các vùng miền, đất nước khác nhau đã không còn quá xa lạ nữa. Lời khuyên của Mate dành cho bạn là trong bước chuẩn bị cho Lễ dạm ngõ, Nhà Trai nhất định phải có sự thăm dò trước với bên phía Nhà Gái, chẳng hạn cha mẹ, ông bà bên Đàng Gái là người miền nào hoặc theo phong tục của miền nào thì Nhà Trai nên chuẩn bị lễ vật dạm ngõ theo phong tục của miền ấy, chứ đừng nên cứng nhắc mà gây thêm khó khăn cho đôi trẻ. Xem thêm: Trình tự tổ chức Lễ dạm ngõ sao cho đúng chuẩn.

To the main pageNext article