Cách trang trí bàn thờ gia tiên theo phong tục của 3 miền
Cùng là người Việt Nam nhưng thủ tục ở mỗi vùng miền lại có sự đặc trưng riêng, dựa trên nền tảng văn hóa chung. Trong đó, bàn thờ đám cưới đóng một vai trò quan trọng mà mỗi gia đình đều cần chuẩn bị chu đáo. Dẫu cho bạn là người miền nào, nếu đang trong thời gian tìm hiểu để chuẩn bị cho đám cưới thì nên tham khảo bài viết này: “Cách trang trí bàn thờ gia tiên theo thủ tục của ba miền” sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn cho đám cưới.
Cách trang trí bàn thờ gia tiên theo thủ tục của ba miền.
Theo truyền thống của người Việt, một cặp đôi chỉ được xem là vợ chồng khi đứng thắp nhang trước bàn thờ gia tiên trong sự chứng kiến của họ hàng 02 bên. Hơn nữa vào ngày trọng đại, bàn thờ đám cưới được xem như là “bộ mặt” của mỗi gia đình. Vì thế, nếu quan tâm đến cách trang trí bàn thờ ngày cưới đúng theo văn hóa, phong tục mỗi miền chắc chắn sẽ ghi điểm trong lòng các vị khách mời.
Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới theo phong tục miền Nam.
Do điều kiện không gian giới hạn, các gia đình miền Nam thường lập bàn thờ vọng để tổ chức Cưới hỏi. Bàn thờ gia tiên sẽ được bố trí tại phòng khách hoặc tầng trệt của ngôi nhà nơi có không gian rộng rãi. Trong khi đó bàn thờ ông bà chính đặt tại phòng thờ trên cao mà cặp đôi sẽ lên thắp nhang sau buổi lễ. Tìm hiểu thêm bàn thờ vọng là gì?
Theo truyền thống, chính giữa bàn thờ gia tiên ngày cưới treo một tấm phông đỏ, trang trí chữ Hỷ, 02 bên là một đôi câu đối. Đặt trên bàn thờ sẽ là bộ tam sự (lư đồng, chân đèn), bát nhang, bình hoa… Trước ngày cưới, bộ lư đồng, chân đèn sẽ được mang ra đánh bóng kỹ lưỡng để làm tăng thêm vẻ thẩm mỹ và sự trang trọng. Phía trên chân đèn là một đôi đèn cầy lớn, thường dùng cỡ đèn số 6, kích thước 32mm x 390mm. Thân đèn cầy thường là màu đỏ được chạm khắc nổi hình Long Phụng, hoặc là màu hồng dành cho người theo đạo. Với những gia đình có điều kiện, trong ngày cưới còn chưng thêm một cặp Long Phụng trái cây rất sống động.
Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới theo phong tục miền Bắc.
Đối với người miền Bắc, đặc biệt là vùng nông thôn thường dùng bàn thờ chính của gia đình để làm bàn thờ gia tiên ngày cưới. Tuy nhiên ở thành thị, người ta đã bắt đầu học tập theo phong cách trang trí của miền Nam là lập một bàn thờ lễ gia tiên riêng. Điều này đang dần trở nên phổ biến, được ưa chuộng hơn với sự ra đời của các dịch vụ trang trí gia tiên.
Người miền Bắc hiếm khi chưng Long Phụng trái cây trên bàn thờ ngày cưới, mà Long Phụng thường xuất hiện trong tráp hoa quả do nhà trai mang sang. Thay vào đó trên bàn thờ gia tiên phải có một mâm hoa quả (ngũ quả) và hai bình hoa bàn thờ ngày cưới. Hoa bàn thờ ngày cưới thường sử dụng là hoa lay ơn, và cũng có thể là loài hoa khác theo tông màu trang trí chung. Ngoài ra, trên bàn thờ gia tiên của người miền Bắc phải có một đĩa xôi gấc đỏ, bên cạnh sẽ là một con gà luộc mổ moi. Tuy nhiên các chi tiết này thường do mẹ Cô Dâu, Chú Rể chuẩn bị sẵn từ đêm trước.
Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới theo phong tục miền Trung.
Văn hóa của người miền Trung là “trọng lễ nghi, khi tài vật”. Nghĩa là các phong tục, nghi lễ rất là cầu kỳ gồm nhiều trình tự với sự bài bản, đầy đủ. Nhưng các sính lễ, sự chuẩn bị cho mâm lễ gia tiên nếu liên quan đến vật chất lại thường đơn giản, không cầu kỳ. Bàn thờ gia tiên ngày cưới của người miền Trung chú trọng sự tươm tất, chuẩn bị chu đáo,… nhưng không cần thiết phải hoành tráng.
Giống như miền Bắc, người miền Trung tổ chức lễ gia tiên trước bàn thờ chính của ông bà. Cho nên trước ngày cưới, bàn thờ ông bà cần được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ. Trên bàn thờ chuẩn bị đôi chân đèn, lư hương, bát nhang, một đĩa hoa quả, một bình hoa,… Nếu đã có sẵn câu đối thì tốt, không có thì thôi, không nhất thiết phải dựng phông màn. Chân đèn có thể là bằng đồng hoặc bằng gỗ, bát nhang có thể là đồ đồng hoặc sành sứ đều được. Bình hoa trên bàn thờ có khi là hoa cúc, hoa ly,… Các loại hoa quả chưng bàn thờ cũng rất đơn giản như: Na (mãng cầu), chuối, quýt, xoài, thanh long… Nếu hàng ngày người miền Trung thờ cúng ông bà như thế nào thì trong ngày cưới cứ theo vậy mà làm.
Tóm lược về cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới của người Việt.
Tuy rằng, mỗi vùng miền có những phong tục khác nhau nhưng đều có một số điểm chung cần lưu ý: Dù cho là ngày cưới hay dịp lễ lạt thì bàn thờ gia tiên phải được lau dọn sạch sẽ. Phải chuẩn bị một số lễ vật, bình hoa, trái cây để thờ cúng. Chuẩn bị thêm rượu, thay nước trên bàn thờ, thắp đèn và đốt nhang mời tổ tiên về chứng giám.
Bài viết Cách trang trí bàn thờ gia tiên theo phong tục của ba miền trên là một nguồn tư liệu cho bạn tham khảo để có sự chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, khi thật sự bước vào quá trình tổ chức đám cưới, quan trọng nhất là phải biết lắng nghe ý kiến, sự sắp xếp của phụ huynh gia đình hai bên và linh hoạt áp dụng. Tham khảo thêm Các mẫu trang trí bàn thờ gia tiên đẹp.