Lễ hằng thuận là gì? nghi thức, ý nghĩa và những lưu ý khi tổ chức

Lễ hằng thuận là một cái tên khá xa lạ với một số cặp đôi nhưng đây là một nghi thức vô cùng quan trọng trong tổ chức hôn nhân tại chùa. Vậy lễ hằng thuận là gì, ý nghĩa của lễ này như thế nào hãy cùng Mate đi tìm hiểu chi tiết ở bài viết sau đây nhé!

Lễ Hằng Thuận là gì?

Lễ hằng thuận là một nghi thức đặc biệt dành riêng cho người Phật tử, chính vì vậy mà Lễ Hằng Thuận thường được tổ chức trang trọng tại Chùa hay Thiền Viện hoặc cũng có thể diễn ra tại nhà thờ tổ của dòng họ. Trong nghi lễ này cô dâu, chú rể cũng được người đại diện là sư trụ trì tuyên bố lý do, lễ cầu phúc cho cặp đôi, trao nhẫn cưới và nhận lời chúc tụng của hai họ.
Lễ Hằng Thuận thường được tổ chức trang trọng tại Chùa hay Thiền Viện hoặc cũng có thể diễn ra tại nhà thờ tổ của dòng họ | Ảnh: FB Thầy Thích Trúc Thái Minh
Lễ Hằng Thuận mang ý nghĩa: “Hằng” là mãi mãi, vĩnh cửu, “thuận” trong hòa thuận, yên bình. “Hằng thuận” có nghĩa là luôn luôn sống hoà hợp, độ lượng với mọi người xung quanh và tôn trọng đạo vợ chồng.

Lễ Hằng Thuận được tổ chức khi nào?

Thông thường lễ hằng thuận được tổ chức ngay sau khi lễ cưới được diễn ra. Sau khi đã chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình sẽ lên thỉnh ý kiến của sư thầy trụ trì. Nếu được đồng ý, buổi lễ sẽ diễn ra theo đúng như ngày đã định dưới sự chuẩn bị và kết hợp của gia đình và các sư thầy, hòa thượng trong chùa. Song song với đó, trước hôn lễ từ 3 – 5 ngày cô dâu, chú rể thường xuyên lên chùa để nghe giảng đạo vợ chồng, đạo làm con để chuẩn bị cho hôn nhân, cuộc sống gia đình trong tương lai.

Nghi thức Lễ Hằng Thuận diễn ra như thế nào?

Sau khi tìm hiểu lễ hằng thuận là gì chắc chắn bạn đang tò mò nghi lễ này diễn ra như thế nào đúng không? Chúng ta hãy cùng tham khảo chi tiết trình tự sau đây: • Mọi người ổn định chỗ ngồi, lên đèn nhang đầy đủ, xông hương trầm và nghinh vị chủ trì hôn lễ. • Nghi lễ thường diễn ra tại chính điện của chùa, trong không gian rộng và trang trọng nhất. • Người thân, bạn bè được sắp xếp vị trí hai bên theo đúng nguyên tắc “nam tả, nữ hữu” (từ trong chính điện nhìn ra), mang ý nghĩa là nhà trai đứng bên trái, nhà gái đứng bên phải. • Cô dâu chú rể sẽ được chủ trì làm lễ quy y nếu chưa và có pháp danh, còn trường hợp nếu đã quy y thì chủ hôn sẽ tiến hành bình thường và theo trình tự: tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự, đại diện của hai gia đình nói lời phát biểu. • Cô dâu, chú rể phát nguyện (theo như cả hai đã chuẩn bị từ trước). Sau đó cùng nghe lời giảng của trụ trì về luân thường đạo lý trong hôn nhân, gia đình cũng như ngoài xã hội. • Hòa thượng chủ hôn buộc dây tơ hồng làm bằng ruy-băng, len hoặc lụa đỏ để thể hiện sự gắn bó, kết nối đôi uyên ương mãi không rời xa nhau. • Cô dâu chú rể đảnh lễ (quỳ lạy) niệm ân cha mẹ, nội ngoại và với đối phương. Tiếp đến là ký tên vào giấy chứng nhận, cả hai cùng tiến hành trao nhẫn và nghe sư thầy chủ trì nói về ý nghĩa của việc trao nhẫn. • Đại diện hai bên gia đình cũng phát biểu lời chỉ bảo khuyên răn cặp đôi. • Nhà chùa và gia đình có thể tặng hoa hoặc quà cho nhau. • Sau khi hoàn tất nghi lễ, mọi người thường ở lại dùng trà, bánh ngọt hoặc dùng tiệc chay ngay trong chùa.
Cặp đôi đang thực hiện nghi lễ dâng trà tạ ơn cha mẹ | Ảnh: FB Thầy Thích Trúc Thái Minh

Những lưu ý khi tổ chức Lễ Hằng Thuận

• Thông báo cho nhà chùa biết hai bạn đã quy y và có pháp danh hay chưa. • Địa điểm tổ chức lễ hằng thuận tốt nhất là nơi chú rể, cô dâu quy y hoặc nơi đã có mối quan hệ từ trước. • Nên dành thời gian đến chùa bàn bạc và chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho đến ngày kết hôn. • Thông thường mọi thứ trong hôn lễ sẽ đều được nhà chùa chuẩn bị giúp. Tuy nhiên, nếu gia đình muốn trang trí, trang hoàng không gian theo màu sắc thì vẫn lên bàn bạc lại với trụ trì.
Cô dâu chú rể đảnh lễ niệm ân những người có công sinh thành | Ảnh: Internet

Lưu ý:

- Đối với khách mời trong lễ , thường là mọi người phải ăn mặc những trang phục kín đáo, ăn nói nhỏ nhẹ, trang nghiêm. - Một số ngôi chùa chỉ được phép tổ chức lễ hằng thuận, có chuẩn bị trà, bánh ngọt lót dạ chứ không tổ chức tiệc ngay trong khuôn viên chùa. Vậy nên, nếu có mong muốn gì bạn hãy bàn bạc ngay với trụ trì để được lưu ý tốt nhất.

Chi phí tổ chức Lễ Hằng Thuận

Đối với lễ Hằng Thuận, sẽ phụ thuộc vào mong muốn của cô dâu chú rể mà sự cầu kỳ, long trọng hay tinh tế đơn giản được lựa chọn. Nhìn chung, phần chi phí của Lễ Hằng Thuận sẽ được chia thành 3 khoản như sau: • Chi phí thực hiện nghi thức làm lễ: Bao gồm trang trí chính điện, bàn thờ Phật tổ Như Lai, cũng như phần bàn của gia đình hai bên, phần chi phí này rơi vào khoảng 2 triệu – 4 triệu đồng, tùy thuộc vào việc cô dâu chú rể sẽ sử dụng loại hoa thì chi phí sẽ thay đổi linh động theo.Chi phí công đức: Phần hoa quả và nhang đèn, nếu như gia đình không biết quy cách sắp xếp như thế nào, có thể gửi các sư thầy thực hiện giúp, chi phí này sẽ rơi vào khoảng 3 – 5 triệu đồng, cô dâu chú rể có thể lựa chọn cách cúng dường hoặc gửi phong bì cho sư thầy để sư thầy tự tay chuẩn bị cho cặp đôi. • Chi phí mâm cơm chay: Đây được xem như một lời cảm ơn, cũng như một sự san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc mới của đôi uyên ương nhà Phật, mâm cơm chay bao gồm những món chay nhưng hãy nhớ có món kho, món canh cũng như trái cây thịnh soạn nhé. Một mâm cơm chay có giá dao động không quá cao, không 700.000 - 1.200.000 đồng(giá tham khảo).
Ảnh : Internet
Trên đây là những giải đáp về lễ hằng thuận là gì và các thông tin chi tiết đi kèm. Hy vọng rằng với những lời khuyên chi tiết hơn sẽ giúp bạn hiểu hơn về buổi lễ này và có những hướng đi tốt nhất cho mình.

Theo: Marry

To the main pageNext article