Nhà gái cần chuẩn bị gì cho lễ đính hôn?
Theo thủ tục Cưới Hỏi truyền thống của người Việt ngày nay, Nhà Gái là địa điểm chính sẽ diễn ra Lễ đính hôn, là không gian để đón tiếp Nhà Trai cũng như khách mời 02 họ. Do vậy, để tổ chức buổi lễ được tươm tất và thành công, giai đoạn chuẩn bị của Nhà Gái rất quan trọng. Bạn hãy cùng với Mate tìm hiểu xem Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ đính hôn?
Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ đính hôn?
Sửa sang, dọn dẹp nhà cửa.
Trong khoảng 03 – 04 tháng trước Lễ đính hôn, Nhà Gái nên tiến hành sửa sang nhà cửa đối với kế hoạch sửa chữa lớn, hoặc 1 - 2 tháng nếu chỉ dọn dẹp và sửa chữa nhỏ. Lưu ý rằng, Nhà Gái là địa điểm tổ chức Lễ đính hôn chính, nên sẽ có nhiều ánh mắt dòm ngó và đánh giá. Vì thế, chuẩn bị nhà cửa tươm tất là một cách thể hiện sự chu đáo, nồng hậu mà qua đó mọi người sẽ có thiện cảm hơn.
Lau dọn Bàn thờ Ông Bà.
Tương tự như Nhà Trai, việc lau dọn Bàn thờ hay còn được gọi là bao sái bàn thờ để chuẩn bị cho Lễ đính hôn tại Nhà Gái rất quan trọng. Theo quan niệm tâm linh của đa số người Việt, nhìn cách sắp xếp nơi thờ tự tôn nghiêm và sạch sẽ là có thể đoán biết được tình cảm của con cháu đối với Ông Bà tổ tiên, qua đó phần nào hiểu được nề nếp gia phong của gia đình. bạn hãy đọc thêm Bài “Kinh nghiệm lau dọn bàn thờ theo quan niệm tâm linh” để hiểu việc lau dọn Bàn thờ diễn ra như thế nào.
Lên danh sách người tham dự.
Nhà Gái cũng cần khéo léo khi mời Bà con tham dự và đón tiếp đoàn Nhà Trai trong buổi Lễ đính hôn. Sự tinh tế thể hiện ở các vấn đề như sau, nếu đã biết trước danh sách đoàn Nhà Trai đi sang phần lớn là các Ông các Bà, những người lớn tuổi, có vai vế lớn… thì bên Đàng Gái cũng phải sắp xếp đội hình đón tiếp theo tuổi tác, vai vế tương tự để ngồi chung bàn. Những thành viên khác của Nhà Gái dù có thân thiết đến mấy nhưng tuổi nhỏ, vai vế thấp thì sắp xếp chỗ ngồi ở bên ngoài. Có thể xem nhiệm vụ lên danh sách người tham dự chính là một trong những việc quan trọng mà Nhà Gái cần chuẩn bị cho Lễ đính hôn.
Tìm người làm Chủ Hôn.
Nhà Gái tìm hiểu trước vai vế của vị Chủ Hôn Nhà Trai để chọn người làm Chủ Hôn Nhà Gái cho phù hợp. Chẳng hạn bên Nhà Trai nhờ ông Nội, hoặc ông Ngoại Chú Rể đứng ra làm Chủ Hôn mà phía Nhà Gái lại đưa người có vai Bác, vai Cậu của Cô Dâu ra tiếp chuyện thì được xem là không đúng phép tắc. Chọn người Chủ Hôn Nhà Gái tương xứng vai vế với Chủ Hôn Nhà Trai, ăn nói lưu loát, phát biểu đáp lời ngắn gọn, cảm động sẽ giúp buổi Lễ đính hôn trở nên trọn vẹn hơn. Người nhà Cô Dâu nên tham khảo Bài “Kinh nghiệm chọn người làm người Đại diện Cưới hỏi” qua đó xác định thêm những tiêu chí cần thiết ở một vị Chủ Hôn.
Trang phục Đám Hỏi cho Nhà Gái.
Sẽ có nhiều người thắc mắc về việc Đám Hỏi Cô Dâu mặc gì? Theo kinh nghiệm của Mate, trang phục dành cho Cô Dâu trong Đám Hỏi tốt nhất nên là áo dài truyền thống. Loại trang phục này giúp tôn nên vẻ đẹp kiêu sa, thùy mị của người con gái Á Đông. Hoặc Cô Dâu cũng có thể mặc áo dài cách tân nhưng lưu ý phải kín đáo, lịch sự. Đối với Ba Cô Dâu nên chọn com-lê cho lịch sự giống như ba Chú Rể. Còn mẹ Cô Dâu nên mặc áo dài truyền thống, thường hai bà xui hay chọn trang phục có màu sắc, họa tiết giống nhau, thậm chí là đặt may cùng một chỗ. Đây cũng là nét văn hóa hay nên áp dụng để tăng thêm sự khắng khít, tình thân của hai nhà.
Trang điểm Cô Dâu và người nhà.
Trong ngày trọng đại chắc chắn Cô Dâu sẽ rất quan tâm đến vấn đề trang điểm, làm đẹp để làm nổi bật thêm sắc vóc của mình. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Cô Dâu cũng như Nhà Gái cần chuẩn bị cho Lễ đính hôn, bởi ngày ra mắt đại gia đình Nhà Trai thì không thể nào qua loa, sơ sài được. Cô Dâu có thể sử dụng dịch vụ trang điểm tận nhà hoặc đặt hẹn với một studio trang điểm yêu thích, thường các chuyên gia trang điểm nổi tiếng ít khi nhận làm tại nhà riêng vì họ bận rộn, hoặc chi phí dịch vụ sẽ cao hơn bình thường. Vì vậy, Cô Dâu có thể cân nhắc đi đến studio nếu cảm thấy phù hợp.
Trang trí Đám Hỏi Nhà Gái.
Nhà gái bắt buộc phải chuẩn bị về việc sửa sang nhà cửa và trang trí nhà lễ gia tiên để đón tiếp Nhà Trai. Nếu cảm thấy cần thiết thì nên sửa sang, sơn mới lại nhà trong trường hợp nước sơn cũ có nhiều vết bẩn hoặc ố vàng. Việc sửa sang nhà cửa thuộc về phần xây dựng, nội thất có thể sẽ chiếm nhiều thời gian, Nhà Gái nên làm trước ngày tổ chức 1-hai tháng. Còn việc trang trí nhà lễ gia tiên thuộc phần trang trí cưới, nên liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ trang trí Cưới hỏi, cũng như có thể tìm hiểu thêm về Bảng giá dịch vụ trang trí nhà lễ gia tiên tại đây.
Người bưng quả Đám Hỏi Nhà Gái.
Nhà Trai mang sang bao nhiêu mâm quả, có bao nhiêu người bưng quả Nam thì Nhà Gái cũng phải chuẩn bị đội bưng quả nữ bấy nhiêu người. Trang phục cho đội bưng quả nữ thường là áo dài truyền thống, áo dài cách tân, cũng có khi là váy đầm nhưng ít hơn. Hiện nay có rất nhiều dịch vụ chuyên cho thuê riêng áo dài bưng quả, người bưng quả… Cô Dâu nên thuê dịch vụ bưng quả chuyên nghiệp nếu như không tìm được bạn bè bưng quả giúp.
Đãi tiệc trong ngày Đám Hỏi.
Buổi lễ Đám Hỏi thường diễn ra trong khoảng thời gian 7-10h sáng, sau đó 02 gia đình sẽ tổ chức ăn trưa cùng nhau để tăng thêm sự thân mật. Bữa tiệc trưa này do Nhà Gái chủ trì thiết đãi Nhà Trai, vì vậy phải căn cứ theo số lượng người tham dự để đặt tiệc cho phù hợp. Bữa tiệc có thể tổ chức tại sân Nhà Gái hoặc cùng nhau ra nhà hàng đều được.
Bởi vì, Lễ đính hôn là một nghi thức quan trọng trước khi hai gia đình tổ chức Đám cưới, nên qua bài viết “Nhà Gái cần chuẩn bị gì cho Lễ đính hôn?”, Mate hi vọng rằng đã gợi ý cho bạn các công đoạn chuẩn bị của Nhà Gái, qua đó tiến hành mọi việc được suôn sẻ và trọn vẹn. Tuy nhiên, không chỉ Nhà Gái mới lo lắng sửa soạn cho Lễ đính hôn mà vai trò của Nhà Trai cũng không kém phần quan trọng. Nếu bạn là người bên Nhà Trai, muốn biết hãy đọc tiếp bài Nhà Trai cần chuẩn bị gì cho Lễ đính hôn?.