Như thế nào là quy trình bưng quả đúng chuẩn?
Trong Lễ cưới – Lễ hỏi, nghi lễ trao mâm quả vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Do đó, bên cạnh những vấn đề như trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật, bày biện mâm quả đầy đủ và đẹp mắt thì cách bưng quả hay còn gọi là bê tráp ra sao là điều mà Cô Dâu Chú Rể nên lưu ý. Vậy như thế nào là Cách thức bưng quả đúng chuẩn? Mate sẽ chia sẻ cho bạn chi tiết trong bài sau.
Như thế nào là quy trình bưng quả đúng chuẩn?
Quá trình chuẩn bị bưng quả.
Vào ngày giờ đã hẹn, dàn bưng quả Nam và Nữ tập trung đủ số lượng ở cả hai bên gia đình để sửa soạn trang phục, làm tóc. Bên phía Nhà Trai cần chuẩn bị Mâm Quả Cưới theo danh sách sính lễ mà 02 gia đình đã bàn bạc trước đó, mâm quả sau khi chuẩn bị xong phải đậy nắp và phủ khăn bên trên (thường là vải đỏ).
Quá trình chuẩn bị bưng quả sẽ thú vị hơn nếu Cô Dâu Chú Rể và đội ngũ bưng quả là bạn bè quen biết từ trước, thông thường họ được mời vào phòng riêng của Cô Dâu, Chú Rể cùng chuẩn bị và giữa mọi người sẽ có những câu hội thoại vui vẻ. Hoặc ngược lại, gia đình cần chuẩn bị khu vực riêng cho đội bưng quả khi sử dụng dịch vụ bưng quả chuyên nghiệp.
Sắp xếp đội hình bưng quả.
Chờ cho mọi người có mặt đông đủ là lúc thuận tiện để tiến hành sắp xếp đội hình bưng quả, bạn nên áp dụng kinh nghiệm sắp xếp đội hình theo thứ tự từ thấp đến cao, người nào cao hơn Cô Dâu Chú Rể thì tránh đứng gần. Riêng dàn bưng quả Nhà Trai còn phải lưu ý về vị trí di chuyển: “Họ sẽ đi phía sau Chú Rể và Rể Phụ, phía trước đó là các bậc trưởng lão và chủ hôn, còn đi sau dàn bưng quả Nam mới là những thành viên khác trong gia đình.” – Chị Phương Anh cho biết.
Cách bưng quả và đỡ quả.
Do bên trong Mâm Quả chứa các lễ vật và có trọng lượng tương đối nên cách bưng quả và đỡ quả phải cẩn thận nhằm tạo sự an toàn, vững chãi. Cách bưng mâm quả an toàn nhất là 02 lòng bàn tay xòe ra đỡ lấy phần đáy mâm quả và 02 ngón tay cái ôm phần cạnh mâm quả. Khi được bên Nam trao quả, dàn bưng quả Nữ cần xòe lòng bàn tay để đỡ phần đáy mâm quả, trong khi đó dàn bưng quả Nam phải ôm phần cạnh mâm quả để chịu lực và chỉ buông tay khi nào biết bên Nữ đã sẵn sàng bê quả.
Thực hiện nghi lễ trao quả.
Khi nghe thông báo phái đoàn Nhà Trai đã đến nơi, dàn bưng quả Nữ nhanh chóng sắp xếp đội hình theo thứ tự đã phân công, đồng thời giúp cho dàn bưng quả Nam dễ dàng xác định được vị trí của mình.
Hai dàn bưng quả có nhiệm vụ xếp thành hàng ngay ngắn phía trước Cổng Hoa chừa một lối đi ở giữa, làm sao để mỗi bên chỉ cần tiến lên một bước là có thể trao và đỡ được mâm quả. Vị chủ hôn sẽ ra hiệu lệnh cho 02 bên thực hiện nghi lễ trao quả, sau đó đội Nữ sẽ bê quả vào khu vực làm lễ trong nhà. Tùy theo mỗi gia đình mà quá trình trao quả sẽ đồng thời tiến hành nghi lễ “trao duyên”, tức là hai đội bưng quả sẽ trao cho nhau các phong bì lì xì do gia đình chuẩn bị trước.
Chờ đợi hoàn thành Lễ gia tiên.
Các gia đình thường sắp xếp một khu vực dành riêng cho dàn bưng quả ngồi chờ đợi hoàn thành Lễ gia tiên. Trong khoảng thời gian này, hai bên sẽ có cơ hội giao lưu trò chuyện trực tiếp, uống nước ăn bánh kẹo và trái cây,… Đây chính là dịp mà các chàng trai cô gái đang độc thân tìm hiểu về nhau và có thể nảy nở một tình yêu mới trong tương lai gần, xóa nhòa những quan niệm xưa cũ rằng “đi bưng quả sẽ bị mất duyên”.
Trong lúc trò chuyện các bạn bưng quả cần lưu ý giữ chừng mực và nhẹ nhàng, tránh gây ồn ào làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm của buổi lễ, đôi khi việc đùa giỡn, ăn nói rộn ràng, cười lớn tiếng quá mới là yếu tố gây “mất duyên”. Ngoài ra, nếu người bưng quả thân thiết với gia đình còn được phân công hoặc tự xung phong phục vụ bánh kẹo, trà nước cho khách mời hai họ.
Tiến hành nghi thức trả quả.
Còn tùy theo lịch trình của Lễ cưới (Lễ đón dâu) hay Lễ hỏi mà thời gian làm lễ dài hay ngắn, Nhà Trai sẽ ở lại dùng bữa hay ra về cho kịp giờ thì hai gia đình vẫn cần tiến hành nghi thức trả quả. Dàn bưng quả căn cứ theo đội hình xếp hàng ngay ngắn trước Cổng Hoa chờ nghe hiệu lệnh trả quả. Nhằm chuẩn bị cho nghi thức trả quả, Nhà Gái phải thực hiện “chia quả” ở phía sau nhà, chỉ giữ một phần sính lễ và gửi lại cho Nhà Trai một phần, còn mâm quả sau khi đã chia sính lễ thì lật ngửa nắp lên và gấp chéo khăn lại vắt ngang qua cho đẹp, hoặc đơn giản hơn chỉ cần gấp khăn phủ để gọn trong nắp mâm quả.
Đối với Lễ đón dâu, sau khi tiến hành trả quả chỉ có dàn bưng quả Nam theo về lại Nhà Trai, riêng dàn bưng quả Nữ còn tùy theo mối quan hệ (bạn bè hay dịch vụ) và sắp xếp của gia đình mà có thể đi đưa dâu cùng hoặc không. Nghi thức “trao duyên” có thể được tiến hành khi trả quả nếu như lúc trao quả cập rập chưa thực hiện được.
Công việc bưng quả tuy đơn giản nhưng khâu chuẩn bị mà không kỹ lưỡng thì dễ xảy ra sai sót, Mate mong rằng qua nội dung bài “Như thế nào là Cách thức bưng quả đúng chuẩn?” các cặp đôi ít nhiều nắm được trình tự cần làm để có thể hướng dẫn thêm cho bạn bè trong trường hợp nhờ họ đi bưng quả giúp.